Nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân

(Mặt trận) - Chiều ngày 1/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân của MTTQ Việt Nam”. Dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đại diện các ban, đơn vị trong tỉnh.

Trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà Tết gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân, người lao động tại Trà Vinh

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà Tết tại tỉnh Phú Thọ

Quang cảnh buổi hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng, việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân có nơi được làm bài bản nhưng có những nơi chưa thực sự quan tâm để giải quyết vấn đề này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, việc giám sát đã thực hiện tốt nhưng phản biện còn gặp khó khăn. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, những vấn đề đặt ra cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Ngoài việc nghiên cứu về mặt lý luận, cần có sự đánh giá, khảo sát từ thực tiễn để từ đó có đề xuất, đánh giá, tìm ra phương hướng hoạt động trong giai đoạn sau. “Việc thảo luận để tìm ra các giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Những ý kiến chân thực từ thực tiễn sẽ giúp Ban tổ chức nhìn nhận thấy nguyên nhân của những hạn chế để có giải pháp khắc phục trong giai đoạn tới”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Viễn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trong năm 2017, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức hơn 80 hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật đến gần 10.000 lượt cán bộ Mặt trận cơ sở. Bên cạnh đó, MTTQ cũng đa dạng hóa các kênh tiếp nhận, tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân với Đảng, Nhà nước; định kỳ tổ chức giao ban với các tổ chức xã hội, giao ban công tác dân tộc, công tác tôn giáo; thường xuyên tổ chức gặp mặt, đón tiếp các vị chức sắc tôn giáo, cá nhân tiêu biểu, trí thức, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong các dân tộc, tôn giáo để lắng nghe, tập hợp ý kiến kiến nghị để phản ánh với cấp ủy, chính quyền về những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là việc bảo vệ, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân là một nhiệm vụ khó khăn. Trong đó, chất lượng, hiệu quả của hoạt động giám sát còn thấp, chưa đáp ứng được mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Bên cạnh đó, MTTQ nhiều nơi còn lúng túng, đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể còn nhiều hạn chế về trình độ cũng như năng lực công tác; việc nắm bắt các chủ trương, chính sách chưa kịp thời, chưa hiểu cặn kẽ nên việc tham gia góp ý chưa rõ nét, ông Viễn khẳng định.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, Liên đoàn Lao động luôn coi chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân và người lao động là chức năng sống còn của tổ chức Công đoàn. Đặc biệt, cần coi trọng việc chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các cấp Công đoàn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình việc làm, đời sống, tư tưởng của người lao động để từ đó phối hợp với người sử dụng lao động có giải pháp giải quyết kịp thời từ cơ sở, hạn chế đình công của người lao động.

Theo ông Hoàng Đức Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Yên Lạc, thực tế 87 năm qua, Mặt trận đã thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Việc đưa nhiệm vụ thực tiễn của Mặt trận và trong Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa to lớn, khẳng định về mặt lý luận, chính trị và vị trí của Mặt trận. Trong năm qua, Ủy ban MTTQ huyện đến cơ sở đã phối hợp với chính quyền duy trì và thực hiện tốt công tác tiếp dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của 140 thành viên Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn, các tổ hòa giải ở cơ sở và các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban Thanh tra nhân dân các xã, thị trấn đã thực hiện và phối hợp với chính quyền tiếp 191 lượt công dân, tiếp nhận và giải quyết 118 đơn khiếu nại, tố cáo và đề nghị của công dân. Việc làm này đã góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt mức, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, các ý kiến phát biểu khẳng định hội thảo là cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Các ý kiến phát biểu đều rất thẳng thắn, khẳng định vai trò của MTTQ trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để sự đồng thuận đạt được mức cao nhất.