Năm thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine

(Mặt trận) - Mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội vẫn nỗ lực thực hiện các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, điện đàm… với mục tiêu mang về vaccine nhanh chóng, kịp thời.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Một năm thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine. 

Tính đến ngày 25/12, cả nước đã tiêm trên 144,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiêm chủng nhanh nhất trên thế giới. Có được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của các bộ, ban ngành, địa phương. Đây cũng là thành quả của nỗ lực không biết mệt mỏi, vất vả của ngoại giao vaccine.

Nỗ lực không mệt mỏi của ngoại giao vaccine

Nửa đầu năm 2021, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp do chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh nên không được ưu tiên phân phối vaccine. Tuy nhiên, khi đợt bùng phát dịch thứ 4 lan rộng và gây ra những hậu quả lớn đến kinh tế - xã hội, Việt Nam đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn.

Nhu cầu vaccine trên thế giới ngày càng lớn, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế. Do đó, trên thế giới đã diễn ra một cuộc “giành giật” nguồn cung vaccine và lợi thế thường nghiêng về các nước có tiềm lực tài chính mạnh. Các quốc gia giàu có đã sử dụng sức mạnh kinh tế để mua trước các loại vaccine tiềm năng. Ngoài ra, các nước thay đổi chính sách trong tiêm chủng vaccine như mở rộng đối tượng tiêm, tiêm tăng cường mũi 3, do đó có sự điều chỉnh trong chính sách cung ứng vaccine làm cho chúng ta khó khăn hơn trong việc tiếp cận vaccine.

Trong bối cảnh đó, ngoại giao vaccine đã có những nỗ lực tột bậc, vượt lên mọi khó khăn, để có thể tiếp cận được với các nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân. Ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng.

Kể từ đó, chúng ta đã đẩy mạnh ngoại giao vaccine, với những nỗ lực ngoại giao song phương, đa phương của các cấp, các ngành. Đặc biệt, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh ở trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội vẫn nỗ lực thực hiện các chuyến thăm chính thức, các chuyến công tác, điện đàm… với mục tiêu mang về vaccine nhanh chóng, kịp thời.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao các nước Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cuba… nhằm thúc đẩy hợp tác cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đã thực hiện nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo hơn 20 quốc gia, gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước, điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế, gặp Đại sứ các nước tại Việt Nam, đề nghị các đối tác ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam càng nhanh càng tốt.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ tiếp nhận tượng trưng 1.000 máy thở do kiều bào David Dương tài trợ và trang thiết bị y tế do các đối tác Hoa Kỳ tài trợ. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN) 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện chuyến thăm Mỹ, Nga, Cuba… Sau chuyến thăm, hàng triệu liều vaccine, trang thiết bị và vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 được chuyển về Việt Nam cùng đoàn công tác của Chủ tịch nước. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng đã làm việc với công ty Pfizer và được cam kết chuyển đủ 31 triệu liều vaccine đã ký hợp đồng với Việt Nam ngay trong năm 2021 và 20 triệu liều vaccine cho trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã công du châu Âu và đưa về 200.000 liều vaccine cũng như cam kết hỗ trợ, nhượng lại nhiều triệu liều vaccine của các đối tác. Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cũng hỗ trợ trang thiết bị và vật tư y tế tổng trị giá 1.028 tỷ đồng (chưa bao gồm 200.000 liều vaccine được tặng) cho Việt Nam.

Hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực, chủ động, huy động lực lượng xử lý công việc bất kể đêm ngày, với khối lượng công việc nặng nề và cường độ làm việc khẩn trương, để có thể tiếp cận được nhiều nguồn vaccine nhất.

Ngoại giao vaccine “vất vả”, thành quả “ngọt ngào”

Sau chuyến thăm châu Âu, Chủ tịch Quốc hội chứng kiến lễ bàn giao vaccine ngay sau khi tới sân bay Nội Bài. 

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp cao, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine, đảm bảo cơ bản nhu cầu tiêm chủng trong nước hiện nay. Ngoại giao vaccine không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận nguồn và nhập khẩu vaccine mà còn mở ra cơ hội chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin. Việt Nam đã hợp tác thành công với Nga trong việc chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Sputnik V. Đây là tiền đề quan trọng để có thể đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước và tiến tới xuất khẩu vaccine ra thế giới.

Nhờ thế, Việt Nam đang nằm trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao và giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần”.

Chiến lược ngoại giao vaccine trong tình hình mới

Thời gian tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, với sự xuất hiện của một số biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh hơn. Dự báo nhu cầu vaccine trên thế giới sẽ rất lớn khi các nước đều chủ trương bao phủ vaccine và tiêm các mũi tăng cường, nhắc lại trong 6 tháng. Do đó, công tác ngoại giao vaccine cần tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân, thích ứng an toàn với dịch bệnh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần nắm sát tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước tiên tiến trong việc đối phó với các biến chủng mới để kịp thời triển khai chiến lược ngoại giao vaccine, vận động các đối tác sớm chuyển giao các lô vaccine này cho Việt Nam. Các bộ, ngành liên quan tăng cường đôn đốc, thúc đẩy triển khai cam kết mà chúng ta đã ký với các đối tác để cung cấp kịp thời vaccine cho người dân. Nhanh chóng tiếp cận các nguồn vaccine dành cho trẻ em, để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em, từng bước đưa học sinh đến trường một cách an toàn. Đẩy mạnh xã hội hóa vaccine, trong đó huy động các kiều bào, mạnh thường quân cả trong nước và ở nước ngoài trong việc tiếp cận nguồn vaccine và tài trợ kinh phí mua vaccine.

Ngoài ra thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine với nhiều đối tác khác nhau để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, chúng ta cần hết sức coi trọng tự chủ sản xuất vaccine trong nước thông qua hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ. Cùng với những nỗ lực nghiên cứu trong nước là vấn đề sống còn đối với việc thích ứng an toàn, lâu dài đối với dịch bệnh. Đây cũng là một hướng xuất khẩu rất có tiềm năng trong bối cảnh nhu cầu vaccine trên thế giới vẫn còn rất lớn và lâu dài./.