Nắm chắc thực tiễn, phối hợp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở

(Mặt trận) - Ngày 16/7, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã đề nghị 6 vấn đề trọng tâm để MTTQ các cấp thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tham luận. Ảnh: TTXVN.

5 kết quả lớn

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Báo cáo đã đánh giá 5 kết quả nổi bật thời gian qua, đó là, chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, nội quy, quy chế, hương ước, quy ước phù hợp; nhận thức và thực hành dân chủ trong hệ thống chính trị và nhân dân chuyển biến tích cực; Quốc hội luôn tiếp tục đổi mới, công khai, tăng cường tranh luận, chất vấn, phản biện được nhân dân và cử tri đánh giá cao; công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp theo hướng cụ thể, năng động, phục vụ nhân dân, trong đó có việc tăng cường tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm nhiều; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, gắn với thực tiễn cuộc sống, quan tâm nhiều hơn đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, của hội viên, đoàn viên.

Đánh giá về việc Mặt trận tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCOCS) trong những năm qua và từ khi thực hiện Kết luận số 120, người đứng đầu Mặt trận phát biểu nhấn mạnh một số kết quả tiêu biểu đã đạt được như: Công tác dân vận của cả hệ thống chính trị có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả quan trọng. Các cấp uỷ đảng, chính quyền nghiêm túc lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết nhanh, kịp thời những vấn đề kiến nghị của cử tri và nhân dân. Góp phần tiếp tục đưa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đi vào cuộc sống và có tác động trực tiếp trong việc động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Mặt trận và đoàn thể. Đặc biệt, quyền làm chủ của nhân dân được khơi dậy và phát huy; tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân được huy động để góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và trong cả nước. Mặt trận đã phối hợp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa; giúp đỡ ủng hộ người nghèo; quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.

Sự phối hợp giữa Dân vận với Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội rất chặt chẽ: “các tổ chức chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện và thực hành dân chủ ở cả ba loại hình, dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34; dân chủ trong cơ quan hành chính sự nghiệp theo Nghị định 04 và dân chủ trong doanh nghiệp theo Nghị định 60 của Chính phủ đã có những tiến bộ rõ rệt, nhất là việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn nhiều nơi đã trở thành nề nếp và đi vào chiều sâu.”

Về thực hiện giám sát và phản biện xã hội, đối thoại với các tầng lớp nhân dân, biểu dương các cá nhân tiêu biểu của MTTQ, các đoàn thể; hàng năm tổ chức sơ kết chương trình phối hợp với Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, MTTQ đều có kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của cử tri và nhân dân - người đứng đầu Mặt trận khẳng định: “MTTQ Việt Nam luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những vấn đề nhân dân quan tâm, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chức năng, vai trò của Mặt trận. Có nhiều việc mới, việc khó như giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân nhưng hệ thống Mặt trận các cấp đã nỗ lực thực hiện và đạt những kết quả tiến bộ”.

Cùng với đó, theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn là sự quyết tâm đổi mới các cuộc vận động, các phong trào thi đua để tránh chồng chéo, hình thức, hiệu quả thấp. Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư tổ chức vào dịp 18-11 hàng năm đã thực sự là ngày hội, là diễn đàn trao đổi dân chủ của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; đồng thời có tác động tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hoá - xã hội ở cơ sở như việc xây dựng các hương ước, quy ước với những nội dung mới theo hướng văn minh, tiến bộ; xây dựng môi trường xã hội lành mạnh... 

Tuy nhiên, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng nêu: Kinh tế đất nước có phát triển nhưng đời sống của nhân dân ở một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bão lũ ở miền Trung, mưa lớn gây lũ quét ở miền núi phía Bắc, sạt lở ở đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân và sản xuất, phát triển kinh tế của đất nước.

Theo đánh giá của người đứng đầu Mặt trận: Một số nơi, hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; chưa thực hiện đầy đủ việc lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân. Việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở, kết quả chưa rõ nét; việc giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh từ cơ sở có phần còn bị động.

Đẩy mạnh giám sát, phản biện xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ: Chúng tôi cơ bản đồng tình với 6 giải pháp và 4 đề xuất, kiến nghị đối với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam như đã nêu trong bản báo cáo. Để thực hiện tốt hơn QCDCOCS, tới đây MTTQ Việt Nam các cấp cần tập trung thực hiện một số việc:

Thứ nhất, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Kết luận số 120 - KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng tổ chức, từng cấp, từng ngành. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. 

Thứ hai, tiếp tục phối hợp đổi mới công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, thấy rõ quyền, trách nhiệm công dân của mình, chấp hành kỷ cương, kỷ luật, đồng thời cảnh giác, đấu tranh với các thông tin, luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch về sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.

Thứ ba, “Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nội dung của QCDCOCS với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Mặt trận phát động, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TW; góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự ở cơ sở; đồng thời nhân rộng mô hình, cách làm hay, hiệu quả”.

Thứ tư, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị. Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng và phát huy vai trò hoạt động của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng; coi đây là nhân tố quan trọng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thứ năm, tổ chức các hình thức tiếp xúc, đối thoại, nắm bắt diễn biến, tình hình trong nhân dân, phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng và chính quyền; phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, phối hợp xử lý kịp thời, dứt điểm những vấn đề bức xúc trong nhân dân ngay từ cơ sở. Thực hiện đầy đủ quy định về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng kéo dài. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; kịp thời báo cáo cho tổ chức Đảng các thông tin đầy đủ, khách quan, không né tránh. 

Thứ sáu, “MTTQ Việt Nam các cấp cùng với việc bám sát Chỉ thị 17 của Ban Bí thư để chuẩn bị Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 9 ( 2019-2024), đặc biệt quan tâm việc đổi mới nội dung, tổ chức hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới. Thực hiện nghiêm tinh thần Nghị quyết 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” - Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nói.