Muốn tăng lương cơ sở phải tinh giảm biên chế

Đề án cải cách chính sách tiền lương dự kiến trình Hội nghị Trung ương 7 trong những ngày tới đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Thay đổi lớn nhất trong nội dung cải cách của đề án này (dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2021) là ban hành hệ thống bảng lương mới đối với khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường. Bên cạnh đó, hệ thống bảng lương mới sẽ được quy định bằng số tiền tuyệt đối thay vì quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Phóng viên phỏng vấn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.

Phóng viên: Thưa ông, trong quá trình khảo sát, đóng góp xây dựng nội dung Đề án cải cách chính sách tiền lương, nhiều người đề nghị nên bỏ cách tính hệ số lương như hiện nay mà chuyển sang dùng giá trị tuyệt đối. Vậy ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bản chất tiền lương của thời kỳ năm 1960 của Nhà nước ta khi được thành lập, bắt đầu thực hiện chính sách trả lương là trả lương theo số tuyệt đối. Sau này, chúng ta đi cả chặng đường dài mới thực hiện theo hệ số. Lúc đầu có hệ số cho doanh nghiệp trong nước (quy định bằng tiền Việt) và hệ số cho khu vực FDI (quy định bằng đôla). Rồi sau nữa mới tách thành lương tối thiểu vùng ra 3 vùng, sau đó điều chỉnh thành 4 vùng như hiện nay.

Và bóc tiền lương của khu vực nhà nước, cũng từ lương tối thiểu chung đó ra thành mức tiền lương cơ sở. Như vậy, bản chất của tiền lương ở nước ta lúc đầu là số tuyệt đối, sau mới căn cứ vào số tuyệt đối đó lại tính tiền lương theo hệ số. Hệ số nhân với mức tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và nhân với mức lương cơ sở của khu vực hành chính sự nghiệp.

Phóng viên: Vậy cách tính lương theo giá trị tuyệt đối có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bây giờ lại chuyển từ hệ số sang số tuyệt đối là để người lao động dễ hiểu hơn, không phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp. Nếu theo cách tính giá trị tuyệt đối, lương của tôi bao nhiêu là tôi sẽ biết bấy nhiêu.

Thứ hai, để rạch ròi. Tiền lương trả cho người lao động, phần tiền lương cứng nó phải chiếm ít nhất 70% trong tổng thu nhập về tiền lương. Còn tiền phụ cấp các loại (như tiền phụ cấp thu hút, thâm niên, ngành nghề… trước đây phân ra thành 20 loại, nay muốn nhập lại thành 3 nhóm) chiếm chỉ 30% của tổng thu nhập về tiền lương.

Qua đó, mọi người thấy rằng tiền lương phản ánh đúng là tiền lương. Tiền lương được trả theo số lượng và chất lượng lao động và tiền lương phải phân phối theo nguyên tắc lao động. Nó cũng phải đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng tiền lương bình quân phải tăng chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động để còn tích lũy và tái sản xuất mở rộng.

Phóng viên: Thưa ông, vậy tiền lương sẽ thay đổi như thế nào và cách tính lương sẽ ra sao?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp tuân thủ theo quy định của Bộ Luật lao động và tiền lương trong khu vực doanh nghiệp là căn cứ để ký kết các thỏa ước lao động tập thể cũng như để ký hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Tuy nhiên, tiền lương các doanh nghiệp trả cho người lao động không được thấp hơn tiền lương tối thiểu theo quy định của 4 vùng. Và tiền lương tối thiểu lần này sửa đổi theo cách: Tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Và tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho công việc đơn giản nhất mà người lao động làm việc trong điều kiện bình thường. Còn người lao động muốn lương cao phải tăng năng suất lao động. Như vậy, tiền lương phải gắn với năng suất lao động.

Còn với khu vực hành chính sự nghiệp Nhà nước sẽ có 2 bảng lương. Một bảng lương sẽ được tính theo chức vụ, vị trí việc làm, anh làm chức vụ nào hưởng theo lương chức vụ đó. Không phải là theo thâm niên. Anh đã được sắp xếp bổ nhiệm vào vị trí đó thì lương của anh là đúng vị trí việc làm của anh. Tuy nhiên, nếu anh cứ tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì anh được tăng thêm 10% phụ cấp.

Còn bảng lương của chuyên môn nghiệp vụ chỉ có một bảng lương thôi, tức là vẫn phải nâng lương thường xuyên 3 năm một bậc đối với bậc đại học trở lên và 4 đến 5 năm đối với chuyên gia, nhưng rõ ràng bằng số tuyệt đối này người lao động biết được lương của mình là bao nhiêu.

Phóng viên: Theo ông, giải pháp nào cần phải được tính đến để có thể cải cách chính sách tiền lương lần này?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Muốn cải cách được chính sách tiền lương lần này, việc đầu tiên phải thực hiện là cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm tối đa những lĩnh vực dịch vụ công nhưng vẫn phải trả lương từ ngân sách Nhà nước.

Dịch vụ công phải chuyển sang trả theo kết quả đầu ra, Nhà nước khoán và không nhất thiết phải do Nhà nước làm. Người dân làm được, phải trả cho người dân. Y tế, giáo dục…việc gì tự chủ được, phải giao cho người ta làm để giảm biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Thứ 2 là phải tinh giản bộ máy hành chính Nhà nước, bộ máy chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương về đổi mới hệ thống chính trị. theo

Thứ 3 là phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước trên cơ sở xây dựng được vị trí việc làm đúng người, đúng việc.

Và làm được 3 việc vừa nêu thì kỳ vọng để chính sách tiền lương của chúng ta minh bạch và đáp ứng được nhu cầu sống của người làm công ăn lương. Đó chính là một trong những yếu tố, hay nói cách khác là đòn bẩy thúc đẩy để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu suất phục vụ nhân dân. Cùng với đó là góp phần chống tham nhũng, tiêu cực.

Phóng viên: Vâng thưa ông, Đề án cải cách chính sách tiền lương sẽ được tính đến để áp dụng vào năm 2021. Vậy từ nay đến khi đó, chúng ta phải chuẩn bị những gì?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo Nghị quyết Quốc hội đã có từ nay đến năm 2020 vẫn tiếp tục điều chỉnh tiền lương cho khu vực Nhà nước bình quân mỗi năm 7%. Và từ nay đến lúc đó phải dành 50% ngân sách tăng thêm để điều chỉnh tiền lương. Tức là phải chuẩn bị nguồn.

Ngày xưa dùng theo nguồn tiết kiệm, rồi nguồn tính đúng, tính đủ. Bây giờ làm quyết liệt có lẽ khó nhất của chính sách cải cách tiền lương vẫn là nguồn kinh phí ở đâu. Vì thế phải giải quyết hai bài toán. Thứ nhất là phải giảm nhẹ biên chế cho số lượng công chức xuống còn tỷ lệ hợp lý. Thứ hai là phải tạo nguồn, bởi nếu không tạo nguồn là lại bốc từ chỗ này sang chỗ khác sẽ trượt giá. Nâng lương mà trượt giá coi như bằng hòa, thậm chí còn nặng nề hơn.

Như vậy có 2 việc phải làm quyết liệt. Thứ nhất là giảm biên chế, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức, sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ để giảm bộ máy xuống. Thứ 2 là phải tạo dựng được nguồn, để đến năm 2021 mới bắt đầu tính đến chuyện cải cách tiền lương.

PV: Xin cảm ơn ông./.