MTTQ tỉnh Tuyên Quang kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

(Mặt trận) - Ngày 17/8, đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2018) và kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Đoàn đại biểu Mặt trận tỉnh Tuyên Quang làm lễ dâng hương trước Nhà làm việc, khu di tích lịch sử Lán và Hầm an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Sau lễ dâng hương, dâng hoa, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh đã trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Đào Văn Sáng, là hộ nghèo ở thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên với số tiền 50.000.000 đồng; tặng quà cho 5 hộ gia đình chính sách, mỗi suất quà trị giá 2.000.000đ; tặng 30 suất quà cho 30 học sinh nghèo vượt khó của xã, mỗi suất trị giá 500.000đ. Đây là hoạt động nhằm tri ân nhân dân xã Trung Yên, huyện Sơn Dương đã đùm bọc, che trở cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Ban Thường trực Quốc hội, Mặt trận Liên Việt trong những năm tháng hoạt động kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời góp phần động viên các gia đình chính sách khó khăn, học sinh nghèo tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống và trong học tập.

Bà Triệu Thị Lún - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ gia đình ông Đào Văn Sáng.

Bà Hà Thị Thu Hiền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó.

Ông Đỗ Minh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó.

Cùng ngày, các đại biểu cũng đã thăm quan gian trưng bày hiện vật và hình ảnh hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; thăm nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội.

Theo các tài liệu ghi lại, những năm 1947 - 1954, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hoạt động cách mạng tại các địa điểm: thôn Cầu, thôn Niếng, xã Minh Thanh; thôn Đồng Nam, thôn Tân Lập, xã Tân Trào; thôn Yên Thượng, xã Trung Yên (Sơn Dương); xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Hơn 70 năm hoạt động cách mạng (trong đó có 16 năm làm Phó Chủ tịch và Chủ tịch nước, 27 năm liên tục làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân; là người có công lao to lớn đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng ta, nhân dân ta trong thế kỷ 20.