Một số quy định của pháp luật về hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho con người

Hiện nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang có diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây ra hậu quả thiệt hại, khó lường về kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Vậy pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể nào liên quan đến hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho người?

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Hiện nay, ở Việt Nam, quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người được quy định cụ thể trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Luật số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007). Các tội phạm về môi trường được quy định từ Điều 235 đến Điều 246 thuộc Chương XIX Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); trong đó tại Điều 240 quy định cụ thể về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Về hiệu lực áp dụng Điều luật

Hiệu lực áp dụng Điều 240 BLHS năm 2015 được quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Bộ luật này. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 94/2015/QH13 thì hiệu lực áp dụng của Điều 240 BLHS năm 2015 được quy định cụ thể như sau:

Hiệu lực về thời gian: Điều 240 BLHS năm 2015 có hiệu lực áp dụng đối với hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, là ngày Điều 240 BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành. Trong đó, khoản 1 và khoản 2 Điều 240 BLHS năm 2015 là quy định có lợi cho người phạm tội so với Điều 186 BLHS năm 1999, do đó, căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 240 BLHS năm 2015 được áp dụng đối với hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người thuộc các khoản này xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm này (01/01/2018) mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang xét giảm thời hạn, xóa án tích (nghĩa là trong trường hợp này, các quy định không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích).

Hiệu lực về lãnh thổ, không gian: Điều 240 BLHS năm 2015 có hiệu lực đối áp dụng đối với mọi hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có thể áp dụng đối với những hành vi phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 6 BLHS năm 2015.

Các yếu tố cấu thành tội phạm và quy định về hình phạt theo Bộ luật hình sự năm 2015

Trên cơ sở thực tiễn và nghiên cứu của những người làm chính sách pháp luật thì “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được hiểu là hành vi: Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Các yếu tố cấu thành tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu cơ bản về hành vi, gồm: Có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật (như: trâu, bò, gà, vịt,…), thực vật (như: các loại cây ăn trái, cây giống, rau,…); sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, gây chết người (như: đưa các loại sản phẩm gia cầm gà, vịt bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6, A(H7N9),… là các loại vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có tên khoa học là avian influenza (AI) thuộc nhóm vi rút cúm A họ Orthomyxciridae). Có hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào (từ nước ngoài vào) Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Có hành vi khác, thường là không hành động làm lây lan dịch bệnh cho người. Tức là bất kỳ hành vi nào khác vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, như: không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người bị nhiễm bệnh,… tạo điều kiện thuận lợi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Các hành vi nêu trên phải gây ra hậu quả là làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Trong thực tế, còn có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau giữa những người thi hành pháp luật về tội phạm này. Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS 2015; thực tiễn tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) trong những tháng đầu năm 2020 đặt ra câu hỏi cho hành vi xảy ra trong thực tế, nhưng điều luật lại chưa quy định cụ thể hành vi đưa người hoặc cho phép đưa người hoặc người bệnh, người có nguy cơ nhiễm bệnh (theo phân loại F1, F2, F3, F4,… theo khuyến cáo của Bộ Y tế) cố ý di chuyển khỏi vùng dịch trái phép hoặc nhập cảnh trái phép vào lãnh thổ Việt Nam gây lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Khách thể: Các hành vi nêu trên xâm phạm đến quy định về phòng, chống dịch bệnh ở người, cụ thể là vi phạm Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản khác liên quan. Ngoài ra, các hành vi nêu trên còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Mặt chủ quan và chủ thể: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý và chủ thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

Về hình phạt: Mức hình phạt của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được chia thành 03 khung, gồm:

- Khung một (khoản 1): Có mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

- Khung hai (khoản 2): Có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khung ba (khoản 3): Có mức phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, trong thực tế giải quyết tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, theo quy định về phân loại tội phạm tại Điều 9 BLHS năm 2015 và tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, cũng như mức hình phạt của tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015 cho thấy: mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 3 quy định là đến 12 năm tù, nghĩa là tội phạm này được phân loại từ tội phạm ít nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng mà chưa được các nhà xây dựng pháp luật hình sự đưa vào phân loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường có thể là đặc biệt nghiêm trọng. Qua thực tiễn, chúng tôi đề nghị cân nhắc sửa đổi BLHS theo hướn quy định khung hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm này.

Một số quy định của pháp luật liên quan đến việc thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Quy định trong BLHS năm 2015 đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống truyền nhiễm

- Hành vi đưa thông tin không đúng tình hình dịch bệnh trên mạng Internet có thể bị truy tố theo Điều 288 của BLHS năm 2015 (Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông).

- Hành vi đầu cơ để thu lợi bất chính đối với mặt hàng liên quan thiết yếu trong việc phòng, chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,... trong  việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm có thể bị truy tố theo Điều 196 BLHS năm 2015 (Tội đầu cơ).

Quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Luật số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007):

Theo đó, phân loại bệnh truyền nhiễm gồm có 03 nhóm (Nhóm A, Nhóm B, Nhóm C; Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm này), cụ thể:

- Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

- Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);

-  Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

Quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luậ; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch gồm có: Áp dụng các biện cách ly y tế tại nhà; biện pháp cách ly tại cơ sở y tế; biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu; biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng với các trường hợp cụ thể.

Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế; vi phạm các quy định về dân số.

Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30/8/2010: Nghị định này quy định về điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở có phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người của tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở xét nghiệm), gồm: Phân loại vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm và cơ sở xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học; điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học và công bố cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; kiểm tra an toàn sinh học; phòng ngừa, xử lý và khắc phục sự cố an toàn sinh học.

Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2018 và thay thế Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010: Nghị định này quy định về thu thập thông tin, khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam và thi thể, hài cốt (bao gồm cả tro cốt), mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam; giám sát, kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu; tổ chức kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.

Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019 thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm: Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, đối tượng giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm gồm: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các nội dung giám sát gồm: (1) Họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh; thông tin về xét nghiệm khẳng định tác nhân gây bệnh phù hợp; tiền sử sản khoa, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và tình trạng miễn dịch, tiền sử đi lại trong và ngoài nước, các thông tin về tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc và yếu tố dịch tễ liên quan; (2) Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa điểm giám sát: mức sống, lối sống, điều kiện sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc, cơ cấu bệnh tật; địa lý, khí hậu, thời tiết bao gồm: khu vực địa dư, mùa, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, hướng gió và các yếu tố nguy cơ khác.

Kiến nghị, đề xuất về hoàn thiện pháp luật

Điều 240 BLHS năm 2015 xây dựng mới trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 186 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu một số hành vi đã xảy ra trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) chúng tôi đề xuất Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 BLHS năm 2015 như sau:

- Quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

- Hướng dẫn chi tiết quy định tại điểm c khoản 1 điều này về “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.

Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu, xây dựng quy định riêng về giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, cụ thể đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Trọng tâm là xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật về “quy trình giám sát” phân cấp từ cấp quốc gia đến cơ sở, gồm: Thu thập số liệu, thông tin; phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả; đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đề xuất biện pháp can thiệp; báo cáo và chia sẻ thông tin... Mặt khác, cần xây dựng quy định chi tiết hơn đối với “địa điểm giám sát”, việc giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện trên toàn bộ phạm vi địa bàn quản lý hành chính được phân công giám sát (Cơ sở y tế; khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm; khu vực đang có ổ dịch, dịch; khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; nơi cư trú, học tập, làm việc, điểm đến du lịch, lưu trú của người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy; khu vực xảy ra thiên tai, thảm họa)./.

TS. Đỗ Thành Trường, TP. Tham mưu tổng hợp VKSND tối cao

Tạp chí Kiểm sát