Mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm

(Mặt trận) - Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam tại trụ sở VCCI, Hà Nội chiều ngày 7/10. Cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 400 doanh nhân tại hơn 70 điểm cầu trong cả nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Dự điểm cầu tại trụ sở VCCI còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công…

Diễn ra vào thời điểm đang chuẩn bị kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội thể hiện sự quan tâm và động viên to lớn của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp nước ta trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Cuộc làm việc còn có ý nghĩa đặc biệt trong thời điểm tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9.12.2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương Việt Nam và kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Những quyết sách đặc biệt “giải nguy” cho doanh nghiệp

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt và cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đảng ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Cách đây 10 năm, ngày 9.12.2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, Bộ Chính trị đang yêu cầu các cơ quan tổng kết Nghị quyết này để từ đó có thể ban hành Nghị quyết mới hoặc Kết luận để tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa bế mạc sáng nay, 7.10 đã xem xét, quyết định hai nhóm nhiệm vụ hết sức quan trọng gồm: kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, kế hoạch tài chính, ngân sách 3 năm, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Quốc hội cũng đang rất tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Kỳ họp thứ Ba dự kiến khai mạc ngày 20.10 tới. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự luật rất quan trọng liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, doanh nhân và phục hồi kinh tế - xã hội; xem xét, quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đánh giá tác động của đại dịch Covid – 19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, lao động, việc làm của người dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ phải sớm có kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch. Diễn đàn kinh tế - xã hội thường niên của Quốc hội được tổ chức vào đầu năm 2022 cũng sẽ tập trung bàn các vấn đề này. Ngay trong tuần tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ làm việc với Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Chính phủ về phương hướng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong cả hai lần tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân đồng bào ông đều khẳng định quan điểm “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện rất nghiêm túc lời hứa này.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ, 76 năm trước, ngày 13.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới Công thương Việt Nam, trong đó có đoạn viết “… Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. “Sứ mệnh cao cả được Hồ Chủ tịch trao từ ngày đó đến nay vẫn được giới doanh nhân Việt Nam ra sức thực hiện, với mục tiêu xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc”, ông nhấn mạnh.

Vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng với trên 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội. Điều này thể hiện rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020. Bức tranh chung của cộng đồng doanh nghiệp đang có sự suy giảm mạnh về quy mô hoạt động và sự gia tăng mức độ ảnh hưởng tiêu cực các lĩnh vực, các ngành nghề sản xuất kinh doanh.

“Việc khôi phục sản xuất sẽ là bài toán nan giải, nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa, việc làm không được khôi phục, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN 

Lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá về thể chế

Tại cuộc cuộc làm việc, đại diện giới doanh nhân trân trọng cảm ơn Quốc hội, nhất là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã làm việc khẩn trương, không quản ngại ngày đêm, luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và đã có nhiều quyết đáp đặc biệt, kịp thời hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII vừa bế mạc với những quyết đáp hết sức quan trọng về phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid -19, đại diện giới doanh nhân cũng kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội 3 nhóm vấn đề lớn:

Một là, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Hai là, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Dù Covid thế nào cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện.

Ba là, lấy Covid-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong đó, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Nhấn mạnh điều này, đại diện giới doanh nhân mong muốn Quốc hội, Chính phủ chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế tại một số luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Phá sản... để chủ động tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, cần triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn mong muốn, Quốc hội khi xem xét, thông qua một đạo luật cần kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn để bảo đảm đúng tinh thần của luật, đồng bộ, minh bạch để thực thi được ngay. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các dự thảo văn bản liên quan trực tiếp và tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế; đồng thời cần khắc phục tình trạng “đại khái” trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, cần sớm ban hành các chính sách, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid - 19 theo hướng dễ tiếp cận, phù hợp với thực tế, điều kiện, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động. Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế số, các dịch vụ số; luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dệt may 29/3 Huỳnh Minh Chính đề nghị cho phép các doanh nghiệp đã tiêm đủ một mũi vaccine cho người lao động và thực hiện nghiêm túc 5K được hoạt động bình thường trở lại. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách của Nhà nước đã có nhưng quá trình thực thi lại không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi thực thi một kiểu. Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc Đảng và Nhà nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này phải đi liền với các giải pháp cụ thể và từng địa phương phải cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp. Từ thực tế áp dụng quy định phòng, chống dịch mỗi địa phương một kiểu thời gian qua, bà Hà Thị Thu Thanh kiến nghị Chính phủ cần rà soát cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động trong sự đứt gãy cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, dòng tiền và chuỗi lao động như hiện nay. Để mở cửa, sống chung an toàn với dịch Covid -19 thì điều quan trọng nhất hiện nay chính là một cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất được áp dụng chung trong cả nước.