Mậu thân 1968: Từ lời chúc Tết của Bác trên làn sóng phát thanh

Lời thơ chúc Tết của Bác chính là hiệu lệnh, là nguồn cảm hứng bất tận để các anh bước chân vào chiến dịch.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Đúng vào thời khắc giao thừa 50 năm trước, lời chúc Tết của Bác đã vang lên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành lời hịch trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Với các nhân chứng lịch sử, đây là chiến dịch không thể nào quên. Còn với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, cuộc Tổng tiến công là sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng, đã tạo ra bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta trước khi vào bàn đàm phán.

 “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Lời chúc Tết của Bác vang lên vào đúng giao thừa, ngay sau đó đêm mùng 1 Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân Giải phóng của ta bất ngờ tiến công rộng khắp vào 4/6 thành phố, 37/44 thị xã, hàng trăm thị trấn, quận lị... chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn.

Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Với những chiến sỹ trực tiếp chiến đấu, lời thơ chúc Tết của Bác chính là hiệu lệnh, là nguồn cảm hứng bất tận để các anh bước chân vào chiến dịch. Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lúc đó mới ngoài đôi mươi trên mặt trận Bình Trị Thiên nhớ lại, đón Tết bằng những đợt tiến công, nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, nhưng âm vang lời chúc Tết của Bác, quyện với nỗi nhớ nhà của ông đã thăng hoa thành thơ, thành ý chí quyết tâm chiến thắng:

“Đúng ngày Bộ đội ta hành quân vào trận, tôi có làm bài thơ Tết xa quê mẹ:

Tết này con bận việc quân

Đường xuân quê mẹ vắng chân con về

Bước đường trăm núi ngàn khe

Vẫn nghe quấn quýt xuân quê bên mình

Ngụy trang gió cuốn rung rinh

Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương.”

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại. 

 

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Còn với Thiếu tướng Lê Xuân Tấu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, khi đó là cán bộ Trung đội đại đội 3, Tiểu đoàn xe tăng 198, tham gia trận đánh then chốt Làng Vây (Quảng Trị) vào ngày mùng 10 Tết Mậu Thân 50 năm trước, lời chúc Tết của Bác như hiệu lệnh trái tim, thúc đẩy ông và đồng đội tiến lên. Và Tết, mùa xuân trên chiến trường của ông chính là hình ảnh kiên cường của những người đồng chí, đồng đội trong hiệp đồng phục vụ chiến đấu.

Thiếu tướng Lê Xuân Tấu bồi hồi:“Các đồng chí bộ binh, đặc biệt là các đồng chí công binh, lúc đó là đêm 6/2/1968, qua Tết rồi, trời rét lắm nhưng các đồng chí dầm mình dưới dòng sông Sê-pôn làm cọc tiêu cho xe tăng qua. Trước những hành động kiên cường dũng cảm như vậy đã tạo cho chúng tôi, cán bộ chiến sỹ xe tăng nghị lực chiến đấu rất cao.”

 

Đại tá, TS Vũ Tang Bồng- nguyên cán bộ Viện lịch sử quân sự Việt Nam

Với những nhà khoa học nghiên cứu lịch sử, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 có đủ cơ sở để thành công, trên cả điều kiện khách quan và chủ quan. Đại tá, Tiến sỹ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, trước đó, các chiến dịch chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại quy mô lớn của Mỹ ở miền Bắc đã bị lực lượng của ta phản công quyết liệt, thất bại nặng nề với hàng nghìn máy bay bị bắn rơi, ý đồ chiến lược của địch không thực hiện được. Tại Mỹ cũng đang diễn ra chiến dịch tranh cử Tổng thống. Đồng thời, ta đã mở chiến dịch nghi binh trên một địa bàn chiến lược khác để thu hút phần lớn lực lượng của địch:

“Trước đó khoảng 10 ngày, theo kế hoạch, ta chủ động mở mặt trận đường 9 Khe Sanh, khiến Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ, cũng như quân Ngụy nghĩ rằng, hướng tiến công chính của Cộng sản ở khu vực đường 9. Cho nên đã có lúc phần lớn lực lượng quân chiến đấu Mỹ được đưa ra đường 9 để giữ bằng được địa bàn chiến lược. Chúng ta đã đạt được mục đích là thu hút được lực lượng của địch ra đường 9 để tạo bất ngờ đánh vào đô thị”, TS Vũ Tang Bồng kể.

Khi mọi sự chú ý của phía Mỹ đổ dồn vào Khe Sanh, thì vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang giải phóng bất ngờ mở cuộc tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền nam; đánh thẳng vào các cơ quan đầu não, khiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn “sững sờ, choáng váng”; làm đảo lộn các kế hoạch chiến tranh của chính quyền Tổng thống Johnson và gây ra sự phản ứng dữ dội trong công chúng Mỹ, khiến ý chí xâm lược của địch bị suy sụp. Đây chính là tài thao lược, là sự chỉ đạo tài tình của Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương.

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc  phòng nhận định, địch bị bất ngờ vì đây là lần đầu tiên ta mở đợt Tổng tiến công rộng lớn, trực diện vào các đô thị, nơi tập trung các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh của địch, và thời điểm tiến công cũng rất đặc biệt, đúng vào đêm giao thừa, khi mà hơn một nửa số ngụy quân đã được nghỉ về quê đón Tết.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Bạo nhận định: “Đảng ta đã chọn thời cơ tiến công vào dịp Tết Nguyên Đán, đúng đêm giao thừa, lúc mà địch bộc lộ sơ hở, chủ quan. Vì thế, khi ta tiến công, địch hoàn toàn bị bất ngờ. Chúng không chỉ bất ngờ về thời gian mà còn bất ngờ về mục tiêu bị tiến công là các đô thị, các căn cứ quan trọng và bất ngờ cả về quy mô của cuộc tiến công khi ta không đánh vào vài chục điểm nhỏ như phán đoán của tình báo địch, mà đánh đồng loạt trên khắp chiến trường miền Nam. Vì thế, chúng hết sức bị động, lúng túng đối phó”

Thành công của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã thay đổi cục diện chiến tranh, tạo ra bước đột phá lớn “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng”; Phá hủy hàng rào điện tử McNamara của Mỹ nhằm khống chế con đường huyết mạch Trường Sơn nối hậu phương với tiền tuyến; Tạo ra tiền đề quan trọng tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Nguyên Nhung/ VOV1