(Mặt trận) - Chiều 27/2, tại Hà Nội, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam nhằm nắm bắt tình hình hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Tham dự buổi làm việc có bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo một số ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Theo ông Lương Phan Cừ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, là thành viên của MTTQ Việt Nam, với sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật và trẻ mồ côi, trải qua hơn 26 năm hoạt động, Hội đã trở thành tổ chức có uy tín, tin cậy trong xã hội. Đặc biệt đối với các nhà tài trợ, Hội là địa chỉ tin cậy của người khuyết tật, trẻ mồ côi và người yếu thế trong xã hội.
Đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã xây dựng mạng lưới với 46 hội thành viên cấp tỉnh, thành, 290 hội cấp quận, huyện; 1.948 hội cấp xã, phường; 1.514 chi hội và có 5.010 hội viên tập thể, 560.204 hội viên cá nhân.
Hơn 26 năm qua, Hội đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật là hơn 3.000 tỷ đồng, từ đó đã tổ chức trợ giúp cho hàng chục triệu lượt đối tượng. Năm 2018, tổng nguồn lực cả nước do Hội chủ trì vận động đạt hơn 591 tỷ đồng, trợ giúp cho 4,1 triệu lượt đối tượng.
Chỉ trong 5 năm từ 2014-2018, Hội đã hỗ trợ phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 71.000 người, với số tiền 102 tỷ đồng, phẫu thuật chỉnh hình cho 5.400 người khuyết tật với số tiền 26 tỷ đồng; tổ chức dạy nghề cho 10.800 người khuyết tật với số tiền 131 tỷ đồng. Hội cũng hỗ trợ sinh kế tại 337 xã xây dựng nông thôn mới cho 38.000 lượt người được hưởng lợi, với số tiền 67 tỷ đồng, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ sửa chữa, hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, mổ tim, mua thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Trong năm 2019, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tập trung huy động nguồn lực xã hội đảm bảo bằng hoặc cao hơn năm 2018, từ đó tiếp tục triển khai hiệu quả 6 chương trình trợ giúp như phẫu thuật thay thủy tinh thể, phẫu thuật chỉnh hình; tổ chức dạy nghề; tặng xe lăn; tặng xe đạp, trao học bổng; hỗ trợ sinh kế và các hoạt động trợ giúp đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và các đối tượng yếu thế khác; tập trung triển khai tổ chức thành công Hội thi tiếng hát Người khuyết tật lần thứ II với chủ đề “Những trái tim khát vọng” ở các khu vực và toàn quốc, đêm gala trao giải gắn với chương trình “Một trái tim - một thế giới” vào tháng 4/2019.
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, là tổ chức xã hội đặc thù và hoạt động theo tinh thần tự nguyện, những bước phát triển và trưởng thành của Hội mang tính nhân văn, nghĩa tình sâu sắc và là nơi hội tụ nhiều tấm lòng luôn hướng về người khuyết tật và trẻ mồ côi trên cả nước.
“Hơn 26 năm qua, Hội đã vận động quyên góp gần 3.000 tỷ đồng, trợ giúp cho hàng chục triệu lượt đối tượng. Mỗi thành viên trong Hội luôn thể hiện sự tích cực, nhiệt tình, nhiệt huyết và có trách nhiệm, từ đó góp phần tạo niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống đối với những người người khuyết tật và trẻ mồ côi”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, các ngành, các cấp luôn quan tâm, chăm lo tới đối tượng là người khuyết tật và trẻ mồ côi; luôn tham gia các chương trình do Hội tổ chức vận động. Đặc biệt, thông qua những văn bản luật và công ước quốc tế, những hoạt động từ thiện, những cơ sở dạy nghề, những cơ sở sản xuất luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật và trẻ mồ côi được học tập, lao động và sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và có những đóng góp hữu ích vào sự phát triển của đất nước.
Để phát huy hơn nữa vai trò của Hội đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp Hội cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2017-2022, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu, giải pháp và chương trình hành động đã đề ra và tích cực phối hợp với các tổ chức Hội để mở rộng phạm vi hoạt động tới 63 tỉnh, thành phố.
“Thông qua hoạt động của Hội để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng và tạo động lực cho họ vươn lên trong cuộc sống”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn lưu ý Hội cần nắm chắc tình hình về người khuyết tật và trẻ mồ côi trên cả nước, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội và tuyên truyền hiệu quả các cơ chế, chính sách có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Đồng thời tích cực vận động các cơ quan, các tổ chức, các ngành, các cấp, mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi để những người đang gặp khó khăn có điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.
Cùng với đó, cần quan tâm tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi và hoạt động Hội; tham gia chương trình, dự án, tư vấn, phản biện và giám định xã hội do cơ quan nhà nước yêu cầu theo quy định của pháp luật.
“Hội cần mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện vì lợi ích của người khuyết tật và trẻ mồ côi theo quy định của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các cấp Hội cần quan tâm đến việc sắp xếp bộ máy cán bộ theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Bên cạnh đó, Hội cần hưởng ứng chương trình hành động của MTTQ Việt Nam, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phát huy vai trò là thành viên của MTTQ Việt Nam để chăm lo tốt hơn nữa tới những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Hương Diệp - Ảnh: Quang Vinh - Kỳ Anh