Luật hóa mô hình đặc khu kinh tế

(Mặt trận) - Ngày 24/4, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Sau khi Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật tại kỳ họp thứ 4, từ tháng 01/2018 đến nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần cho ý kiến vào dự thảo Luật; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã 3 lần xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để làm cơ sở phối hợp với cơ quan thẩm tra giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần, đến nay dự thảo luật gồm 6 chương, 84 điều, 6 phụ lục.  So với dự thảo đã trình Quốc hội trước đó nay đã bổ sung 26 điều (bổ sung mới 15 điều, tách - nhập 11 điều); bỏ 29 điều. Hiện cơ quan soạn thảo đang hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới đây.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông đã giới thiệu một số nội dung chính của dự thảo Luật như thu hẹp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện từ 243 ngành nghề được áp dụng chung trên phạm vi cả nước xuống còn 131 ngành nghề được áp dụng riêng tại đặc khu; đổi mới và đơn giản hóa trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu; mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở;  cho phép thời hạn sử dụng đất sản xuất, kinh doanh tại đặc khu tối đa là 99 năm đối với một số dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cùng với đó, chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai bảo đảm vượt trội so với trong nước, cạnh tranh được với các đặc khu trên thế giới để thu hút đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên phát triển. Theo Dự thảo luật chỉnh lý, áp dụng ưu đãi thế thu nhập doanh nghiệp theo 3 mức, ưu đãi tiền thuế đất theo 5 mức…

Theo đó, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đặc khu là một cấp chính quyền, có Hội đồng nhân dân đặc khu và Ủy ban nhân dân đặc khu được tổ chức tinh gọn, hiệu quả, có một số điểm mới so với hệ thống chính quyền địa phương hiện nay. 

Góp ý tại Hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học đều cho rằng, từ nay đến lúc Quốc hội thảo luận chỉ còn ít thời gian, vì thế cần làm rõ những gì mà chúng ta muốn thống nhất cho đặc khu. Việt Nam là nước đi sau nên đặc khu phải có tính cạnh tranh thì mới thu hút được đầu tư. Nếu không vượt trội so với Thái Lan, Trung Quốc thì đặc khu của Việt Nam không thể cạnh tranh và hấp dẫn được. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất chỉ cần có nghị quyết của Ban Thường vụ Quốc hội về việc thu hút đầu tư nước ngoài và định hướng đặc khu phải là đặc khu cao cấp, dịch vụ cao cấp và hệ thống công nghệ cao.

Tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách, dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trước khi trình Quốc hội thông qua thì đã có rất nhiều hội thảo, góp ý về vấn đề này. Các ý kiến đều thể hiện rõ quan điểm, tâm huyết và mong muốn có đặc khu kinh tế để tạo động lực cho cả nước phát triển. Ban soạn thảo cũng đã bám sát và thể hiện rõ quan điểm đó. Mục đích của Dự án Luật này nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực giỏi vào đây.

“Những ý kiến cũng như những trăn trở Ban tổ chức sẽ tập hợp thành văn bản phản biện để gửi tới cơ quan soạn thảo”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nói.