Lựa chọn cá nhân tiêu biểu là đồng bào dân tộc Khmer tham gia Mặt trận nhiệm kỳ mới

(Mặt trận) - Ngày 5/4, phát biểu khi đến thăm và chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị cần phải lựa chọn thêm nhiều cá nhân tiêu biểu người dân tộc Khmer và thành viên Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tham gia Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam 2019-2024.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Cùng đi với đoàn có ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hòa thượng Tăng Nô, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer, sống đan xen với dân tộc Kinh, Hoa; dân tộc Khmer chiếm trên 30,71%  so với dân số chung trong toàn tỉnh với 130 cơ sở thờ tự; trong đó có 92 chùa và 38 salatel (nhà sinh hoạt cộng đồng), với 1.873 vị sư sãi đang tu học; trong đó có 13 vị Hòa thượng, 13 vị Thượng tọa, 66 vị Đại đức, đa số người Khmer đều theo Phật giáo Nam tông Khmer. Các vị sư trong Phật giáo Nam tông Khmer có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Không chỉ là người hướng dẫn tín đồ, phật tử về mặt tâm linh, các vị sư Nam tông Khmer còn là người thầy giúp đỡ, hướng dẫn người dân nhiều việc trong đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục, từ đó hướng người dân - tín đồ sống hòa thuận, gương mẫu, xây dựng gia đình, xã hội lành mạnh, an vui.

Hiện nay, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer luôn gắn bó với chùa chiền, mà cơ quan đại diện là Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước.

Phát huy vai trò của mình, những năm qua, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng luôn tích cực động viên, khích lệ các sư sãi, achar và tín đồ tham gia vào các hoạt động đạo đời hài hoà; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động theo hướng đồng lòng, đồng tình; tuyên truyền, vận động các chư tăng, phật tử, thế hệ trẻ nâng cao trình độ học vấn, duy trì tiếng Khmer, duy trì các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hoá truyền thống theo phong tục tập quán như: Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Dâng y cà sa, lễ Sene Đôl Ta, lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo, lễ Kiết giới (sây ma), lễ tang, lễ cưới, lễ cầu an... góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, vừa thúc đẩy việc nâng cao và cải thiện đời sống, vừa đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh, từ đó phát huy vai trò của Hội trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian tới, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động, giáo dục cho các vị sư sãi và đồng bào phật tử các chùa am hiểu, chấp hành và thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến trong sư sãi và đồng bào phật tử nâng cao tinh thần cảnh giác với những âm mưu diễn biến hòa bình của kẻ xấu.

Vui mừng, phấn khởi trước những đóng góp của các vị Hòa thượng, Đại đức, sư sãi, achar trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng thời gian qua, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, đồng bào Khmer đã đóng góp nhiều công sức để tôn tạo, tu bổ các chùa; tập trung sản xuất, kinh doanh để cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ môi trường. Các vị sư sãi, achar Phật giáo Nam tông Khmer tích cực tham gia các hoạt động chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Đồng bào Khmer đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự của các địa phương và cả nước”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

 Lễ tết Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày hội không chỉ của đồng bào Khmer nói riêng mà cả đồng bào các dân tộc khác tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị Hòa thượng, Đại đức, sư sãi, achar, chư tăng, phật tử, chúc đồng bào hưởng Tết cổ truyền trong không khí an vui, hạnh phúc, đồng thời nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, MTTQ và toàn xã hội luôn quan tâm chăm lo tới đời sống của 53 dân tộc anh em nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Nhấn mạnh năm 2019 là năm cả nước kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là năm tổ chức Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 vào tháng 9/2019, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cùng các vị Hòa thượng, Đại đức, sư sãi, achar tiếp tục vận động đồng bào chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động; tập trung tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và thể hiện vai trò tích cực là thành viên của MTTQ Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp tục vận động bà con duy trì, gìn giữ bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer; tích cực lao động sản xuất, quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học vấn, động viên con em chăm chỉ đến trường nhằm góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tin tưởng với vai trò và uy tín của mình, các vị Hòa thượng, Đại đức, sư sãi, achar cùng toàn thể đồng bào Khmer sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

Trăn trở khi tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh Sóc Trăng vẫn còn 8,3%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc đang chiếm đa số, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh quan tâm tạo sinh kế, tạo điều kiện cho bà con trong phát triển kinh tế, giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp” có thêm động lực, có thêm tinh thần vươn lên thoát nghèo và “quyết tâm trả lại mã số hộ nghèo” cho địa phương.

Bên cạnh đó cần chú trọng tới việc nâng cấp, tôn tạo, tu bổ để các ngôi chùa Khmer luôn khang trang, sạch đẹp, đảm bảo môi trường sinh hoạt lành mạnh đối với mỗi Hòa thượng, Đại đức, sư sãi, achar, tín đồ Phật giáo trong toàn tỉnh.

Năm 2019 là năm diễn ra Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tạo điều kiện để Đại hội Mặt trận thành công tốt đẹp, đồng thời cần lựa chọn những cá nhân tiêu biểu là đồng bào dân tộc Khmer và thành viên Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng tham gia MTTQ Việt Nam các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội mới.

Cùng ngày, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trao 5 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.