Lễ kỷ niệm trọng thể 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020)

(Mặt trận) - Sáng 18/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020) và trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và đọc diễn văn kỷ niệm.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm

Dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

 
 Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tại buổi Lễ

Cùng tham dự có các đại biểu là nguyên Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng và nguyên Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch nước và nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội; Đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương; Bí thư các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An; Trưởng các Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV; Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sinh sống, làm việc tại Hà Nội; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; Trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại thành phố Hà Nội; Đại biểu là lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh, Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội;…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu, làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Ông cha ta đã từng tổng kết: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết"; "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"...

Trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công".

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và là "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc".

Suốt 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kể từ ngày thành lập đến nay, ở bất kỳ thời kỳ nào, tổ chức Mặt trận cũng thể hiện rất rõ và thực hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình, luôn trung thành với tôn chỉ, mục đích tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Trong công cuộc đổi mới, với nhiều hình thức tổ chức và vận động nhân dân, MTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giải quyết những khó khăn về đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí, sức mạnh văn hoá và con người Việt Nam. MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội; tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo Hiến pháp, các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các văn kiện trình Đại hội Đảng các cấp; kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo và huy động các nguồn lực trong xã hội, tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. MTTQ Việt Nam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quang cảnh buổi Lễ 

Trong suốt 90 năm qua, MTTQ Việt Nam xứng đáng là tổ chức đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta. Với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đã 2 lần vinh dự được trao tặng Huân chương Sao vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp này, MTTQ Việt Nam tiếp tục vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, sự đóng góp, cống hiến to lớn và những bước phát triển của Mặt trận qua các chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đất nước ta bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, MTTQ Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, MTTQ tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: MTTQ Việt Nam cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc". Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, MTTQ cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung. Mặt trận các cấp cần phát huy dân chủ, tinh thần thân ái, trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần, giai cấp; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, trong giai đoạn mới, MTTQ cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, triển khai sâu rộng và có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Tiếp tục tổ chức tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên, dùng hàng Việt Nam", phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế", bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, sát nhập với thực tế.

  Đại biểu tham dự buổi lễ

Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Bộ Chính trị. Tăng cường giám sát để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. MTTQ phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng và của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân; làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân; chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở; tin dân và tôn trọng dân, đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Để bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho MTTQ Việt Nam thực hiện tốt vai trò của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhà nước cần tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Mặt trận; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Mặt trận. Mặt trận cần thực sự tham gia vào quá trình hoạch định và thực hiện chính sách, pháp luật chứ không chỉ làm nhiệm vụ động viên, kêu gọi, tổ chức các phong trào. Mặt trận cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật sự thiết thực, hiệu quả; coi trọng việc nhân rộng các điển hình tốt, phê phán những việc làm chưa tốt, khắc phục bệnh hình thức. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp; tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp; tổng kết và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa chính quyền với MTTQ Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước về phong cách dân vận: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân"; "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân…

 Đại biểu tham dự buổi lễ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, và phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới dành được địa vị lãnh đạo". Đảng ta đã xác định vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo Mặt trận, Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua phát huy vai trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo Mặt trận; phải phát huy thật tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội; chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiêu cực. Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị nhằm phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, MTTQ các cấp với quyết tâm mới, khí thế mới, sẽ tiếp tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và chính quyền, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh.

 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Tại lễ Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho MTTQ Việt Nam vì đã có công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn dự Lễ kỷ niệm. 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tới dự Lễ kỷ niệm.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tới dự Lễ kỷ niệm.
 
 

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm
 
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại buổi Lễ