Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo: Dấu ấn của Chủ tịch Lê Quang Đạo với công tác Mặt trận

(Mặt trận) -LTS: Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Quang Đạo suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Trên lĩnh vực công tác nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), xin trân trọng giới thiệu một số bài viết nhằm khắc hoạ những đóng góp to lớn của ông đối với sự nghiệp đại đoàn kết và công tác Mặt trận.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Đồng chí Lê Quang Đạo. Ảnh: Tư liệu.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo luôn quan tâm, dành nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận, đặc biệt từ khi ông được cử làm Bí thư Đảng đoàn Trung ương MTTQ Việt Nam (từ năm 1988) và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam (1994-1999).

Với công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của MTTQ Việt Nam cũng như sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng của đồng chí Lê Quang Đạo nổi bật ở việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở mở rộng những điểm tương đồng; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận; đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của Mặt trận và xác định vai trò của Mặt trận, địa vị chính trị, pháp lý của Mặt trận.

Trong đó, việc tiên quyết mà Chủ tịch Lê Quang Đạo mong muốn thực hiện là đổi mới công tác Mặt trận. Nhưng ông cho rằng, muốn đổi mới công tác Mặt trận phải nhất thiết đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác Mặt trận vì đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận đạt kết quả cao.

Do đó, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã cùng đồng chí Xuân Thủy giúp Trung ương Đảng xây dựng và ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ  Việt Nam trong giai đoạn mới”. Chỉ thị số 17-CT/TW đã chỉ ra 3 chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục; phối hợp thống nhất hành động và phản ánh nguyện vọng, ý kiến của nhân dân.

Để tăng cường việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, năm 1993, đồng chí Lê Quang Đạo cùng với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam giúp Trung ương Đảng xây dựng dự thảo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”. Nội dung của Nghị quyết thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết và công tác Mặt trận. Nghị quyết này cũng định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Lê Quang Đạo cho rằng, việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân có vai trò quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận là cầu nối giữa Đảng với dân. Việc Đảng và Nhà nước trình bày với Mặt trận những quyết định, chủ trương lớn để lấy ý kiến toàn dân thông qua người đại diện của mình là Mặt trận, đồng thời là để Mặt trận vận động nhân dân ủng hộ và thực hiện đường lối đúng đắn đó, biến nó thành thắng lợi.

“Mặt trận luôn mong muốn được nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, và Mặt trận tập hợp đầy đủ những ý kiến mà mình nghe được để phản ánh với Đảng và với Nhà nước, để Đảng, Nhà nước cân nhắc, xem xét, tiếp thu những ý kiến này”, đồng chí Lê Quang Đạo khẳng định.

Gắn bó với công tác Mặt trận, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã sớm nêu ra những ý tưởng, tích cực nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng để phát động trong phạm vi toàn quốc cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” (năm 1995).

Đây là cuộc vận động chính trị - xã hội rộng lớn của MTTQ  Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và trên thực tế đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu xuyên suốt của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua.

Một trong những dấu ấn to lớn mà Chủ tịch Lê Quang Đạo để lại cho công tác Mặt trận là cùng Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo đã chỉ đạo và cho ý kiến để xây dựng dự thảo Luật MTTQ Việt Nam, trong đó làm rõ tính chất, vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Mặt trận và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Luật MTTQ Việt Nam được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 12/6/1999. Luật MTTQ Việt Nam tạo nền tảng pháp lý để Mặt trận chủ động đổi mới về tổ chức bộ máy và hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận góp phần vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.

Một trong những trăn trở mà Chủ tịch Lê Quang Đạo luôn quan tâm là việc đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của Mặt trận sao cho thiết thực vì “Muốn hoạt động thực chất thì phải nắm vững nguyên tắc hành động: hiệp thương dân chủ, hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp thống nhất hành động. Trong đó, hai nguyên tắc cơ bản nhất là hiệp thương dân chủ và phối hợp hành động chung…”.

Để hoạt động của Mặt trận thiết thực và đi vào thực chất, Chủ tịch Lê Quang Đạo cho rằng, cần phải tập trung được trí tuệ và phản ánh được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải tạo ra được các phong trào hành động chung, phải xây dựng, bảo vệ và đặc biệt là giám sát hoạt động của các tổ chức, nhân viên nhà nước; phải chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và quan tâm công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ…

Nhìn lại quá trình tham gia cách mạng lâu dài và gian khổ, trải qua nhiều cương vị công tác, ở cương vị nào, đồng chí Lê Quang Đạo cũng cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng chung.

Người đã đi trọn cuộc đời một cách vẻ vang và để lại cho chúng ta tấm gương về cuộc đời cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đầy lòng vị tha, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, chân thành và thủy chung, gần gũi và đoàn kết với mọi người.

Theo TS LÊ MẬU NHIỆM - LÊ THỊ MINH HÀ – Báo ĐẠI ĐOÀN KẾT