Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo: Cuốn sổ tay đặc biệt!

(Mặt trận) -Nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo nâng niu cuốn sổ “đặc biệt” - kỷ vật của chồng trên tay, vì theo bà, trong thời gian công tác, ông giữ được mười mấy cuốn sổ nhưng đây là cuốn sổ tay cuối cùng, gắn với thời gian nghiên cứu, xây dựng Luật MTTQ Việt Nam. Bất cứ ai đọc cuốn sổ này sẽ hiểu được phong cách làm việc và con người của Chủ tịch Lê Quang Đạo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Cuba ngày càng bền chặt

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại An Giang

Nội dung chuyên đề của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

 Chủ tịch Lê Quang Đạo tiếp đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng đến thăm MTTQ Việt Nam vào năm 1998.

Chúng tôi đến thăm nhà văn Nguyệt Tú vào một ngày chớm thu. Trong suốt buổi trò chuyện, bà nâng niu cuốn sổ tay cuối cùng của chồng mình trên tay. Theo lời bà, khi đó Chủ tịch Lê Quang Đạo 78 tuổi, tai đã kém nhưng vẫn rất tâm huyết, trăn trở với công tác Mặt trận, đặc biệt là xây dựng Luật MTTQ Việt Nam.

Với ý thức Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân… cho nên xây dựng Luật Mặt trận trước hết phải lắng nghe tâm nguyện từ nhân dân.

Trách nhiệm, tâm huyết và mong ước của một người đứng đầu tổ chức Mặt trận thôi thúc Chủ tịch Lê Quang Đạo đi rất nhiều địa phương để lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Từng trang sổ đưa chúng tôi trở lại với những chuyến công tác từ Bắc vào Nam trong khoảng thời gian một năm trước khi ông qua đời: Từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đến tận xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau- nơi cực Nam của Tổ quốc.

Đi đến đâu ông đều ghi chép rất cụ thể, cẩn thận về diện tích, dân số, tình hình kinh tế, xã hội của địa phương… Các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, những vấn đề trực tiếp, trực diện liên quan đến công tác Mặt trận.

Không những đi sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm nguyện của nhân dân, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Luật MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã có rất nhiều cuộc họp, cuộc làm việc, nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu thuộc các thành phần khác nhau: Từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, dân tộc, tôn giáo,… Các ý kiến dẫu có lúc chưa thống nhất hoặc còn những quan điểm khác nhau nhưng ông luôn lắng nghe với thái độ cầu thị và rất trân trọng.

Trong câu chuyện kể của mình, nhà văn Nguyệt Tú có nhắc đến Giáo sư Lý Chánh Trung; Luật sư Lưu Văn Đạt;  Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu… đó là những người mà Chủ tịch Lê Quang Đạo rất tin cậy và thường tham vấn ý kiến.

Xây dựng Luật MTTQ Việt Nam là một quá trình công phu, kỹ lưỡng và Chủ tịch Lê Quang Đạo đã dốc biết bao trí tuệ, công sức và tâm huyết vào đó. Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X, Ủy viên BCH Trung ương Đảng từng nói: “Có thể nói bác Đạo đã vắt từng giọt máu trong trái tim cháy bỏng của mình cho Luật Mặt trận”.

Cũng từ cuốn sổ này, chúng tôi không giấu nổi xúc động khi đọc từng trang ghi dấu những cuộc họp chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V- kỳ đại hội mà với vai trò là người chủ trì nhưng Chủ tịch Lê Quang Đạo đã trút hơi thở cuối cùng trước khi khai mạc Đại hội.

Cuốn sổ công tác cuối cùng, cuốn sổ “đặc biệt” của Chủ tịch Lê Quang Đạo vẫn còn đó những trang giấy chưa kịp viết… Đan xen trong dòng cảm xúc từ những nét chữ, bút tích của ông để lại là những hồi ức được nhà văn Nguyệt Tú kể về những năm tháng “anh Đạo làm báo Cứu Quốc gian khổ, anh Đạo cùng anh Nguyễn Túc miệt mài, vất vả với việc soạn thảo Nghị quyết số 07 về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc Thống nhất, trăn trở ngày đêm để tìm cho ra mẫu số chung quy tụ khối đại đoàn kết. Ngay cả khi dưỡng bệnh trong bệnh viện, phần lớn tâm trí của anh Đạo vẫn dành cho công việc”.

Chúng tôi càng hiểu hơn về vị Chủ tịch Mặt trận đáng kính: Một con người tài năng, tư duy khoa học nhạy bén, trái tim đức độ, nhân ái, gắn bó với công việc, trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân đến giây phút cuối cùng.

Chúng tôi cũng đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi vì sao từ những năm 1943-1944, khi còn là thành viên của Ban Biên tập báo Cứu Quốc- tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay, khi viết bài đăng báo, ông lại lấy bút danh Ái Dân.

Ái Dân nghĩa là yêu dân, thương dân. Tình yêu ấy chính là sức mạnh để ông dấn thân cả đời mình cho Tổ quốc, cho dân tộc.

Cuốn sổ đặc biệt cùng với một số kỷ vật khác của Chủ tịch Lê Quang Đạo được coi như “gia bảo” nhưng gia đình nhà văn Nguyệt Tú đã hiến tặng Bảo tàng MTTQ Việt Nam. Những người cán bộ làm công tác tại bảo tàng của Mặt trận sẽ có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ cẩn thận, phát huy giá trị của những kỷ vật- di sản quý giá ấy, góp phần tuyên truyền, giáo dục về tấm gương, cuộc đời cao đẹp, về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Lê Quang Đạo đối với công tác Mặt trận, với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc đến các thế hệ hôm nay và mai sau.

BÙI THỊ HOÀN