Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV thành công tốt đẹp

(Mặt trận) - Chiều nay, 24.6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự, thành công tốt đẹp sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên bế mạc Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự phiên bế mạc

Tham dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thành công tốt đẹp và tiếp tục có những đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, biểu quyết thông qua 8 luật gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội cũng đã thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hơn 12 triệu lượt ý kiến, cho ý kiến lần thứ hai, hoàn thiện một bước cơ bản đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho nhiều ý kiến lần đầu rất quan trọng đối với 8 dự án luật khác, gồm: Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Nhấn mạnh thời gian còn lại của nhiệm kỳ, khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu rất cao cả về chất lượng và tiến độ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan tập trung chỉ đạo hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các nhiệm vụ lập pháp còn lại của nhiệm kỳ đã có trong kế hoạch và nghiên cứu, đề xuất bổ sung thêm các nhiệm vụ lập pháp cần thiết để tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

 Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Lâm Hiển

Về hoạt động giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Quốc hội trân trọng cảm ơn, biểu dương, ghi nhận sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 - là nhân tố quyết định giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn, thử thách ngặt nghèo, kiểm soát thành công đại dịch và nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cũng đã dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ về 4 nhóm lĩnh vực: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải. Các vấn đề được chất vấn cùng nhiều vấn đề khác qua ý kiến của cử tri, Nhân dân, đại biểu Quốc hội đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm thúc đẩy giải quyết, tạo bước chuyển biến ngay trước thềm phiên chất vấn, nhận được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội, cử tri và được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp, xác định cụ thể các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành, làm cơ sở để giám sát việc thực hiện, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện nghiêm các cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

 Quang cảnh Quốc hội thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Hồ Long

Tại Kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư và Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV; xem xét Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và một số báo cáo khác theo quy định.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và các nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội đối với 2 nội dung rất quan trọng là: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

“Những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời, là cơ sở quan trọng để các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kịp thời có nhiều quyết sách quan trọng thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

 

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đã dành thời gian thảo luận các báo cáo, tờ trình của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân đã cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 với mức tăng trưởng GDP cao (trên 8%), chỉ số lạm phát CPI thấp (3,15%).

Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa; cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương để kịp thời bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế, đồng thời, cho phép linh hoạt điều hòa vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân đầu tư công. Đồng thời, quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội; quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và khách du lịch, kích cầu du lịch…

Về công tác nhân sự, theo Chủ tịch Quốc hội, với quy trình, thủ tục chặt chẽ, trên cơ sở quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định công tác nhân sự đối với các chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2021 - 2026, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 1 thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Năm sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo đảm yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt và triển khai các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này trong Quý III.2023, đồng thời sẽ rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và sẽ đưa nội dung này thành hoạt động định kỳ sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã thành công rất tốt đẹp và đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ. Trên cơ sở kết quả của Hội nghị, được tiếp nối và phát huy qua thành công tốt đẹp của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng, nỗ lực và tâm huyết của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt được thời cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ở mức cao nhất và trong cả giai đoạn 2021 - 2025, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.