Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Họp trực tuyến và trực tiếp

(Mặt trận) - Chiều 24/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc tổ chức Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14. Theo đó, kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp, không tiếp xúc cử tri trực tiếp và chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ, bắt đầu từ 20/5.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Phiên thảo luận về Chương trình Kỳ họp thứ 9. Ảnh: VGP/ Lê Sơn

Không tiếp xúc cử tri và chất vấn trực tiếp thành viên Chính phủ

Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi gửi văn bản xin ý kiến, đa số ý kiến nhất trí việc tổ chức kỳ họp theo 02 đợt trực tuyến và tập trung (trực tiếp). Tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Tổng Thư ký đề nghị chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung để tạo sự chủ động cho việc chuẩn bị kỳ họp. Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến sẽ là một bước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội, tiến tới Quốc hội điện tử; đồng thời, cũng là cách thức để Quốc hội có thể xem xét, quyết định kịp thời (phản ứng nhanh) những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra.

Về nội dung và thời gian, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bổ sung 04 nội dung: dự án Luật Cư trú (sửa đổi); các dự thảo Nghị quyết về: phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957.

Đồng thời, rút 05 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất vấn và trả lời chất vấn; Báo cáo về quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2019 (Chính phủ đề nghị chuyển sang kỳ họp thứ 10); Báo cáo kết quả thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017 (Chính phủ đề nghị chuyển sang năm 2021).

Đợt 1 (họp trực tuyến): Khai mạc kỳ họp Chính phủ báo cáo nhanh một số vấn đề về tình hình kinh tế-xã hội (nếu có), nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8; thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; giám sát chuyên đề.

Đợt 2 (họp trực tiếp): Quốc hội xem xét các báo cáo và quyết định một số vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; xem xét, quyết định chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thảo luận các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và xem xét, quyết định nhân sự khác (nếu có); biểu quyết thông qua luật đã được thảo luận ở đợt 1, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Tổng thời gian họp chỉ 17,5 ngày

Về thời gian: Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17,5 ngày. Trong đó, đợt 1 tiến hành 8,5 ngày bắt đầu ngày 20/5 (khai mạc kỳ họp) và kết thúc sáng ngày 30/5; đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 10/6 và kết thúc ngày 19/6 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 20/6.

Về cách thức tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị không họp trù bị trực tuyến. Thay vào đó, dự kiến chương trình sẽ sớm gửi đến đại biểu Quốc hội trước khai mạc và được biểu quyết thông qua phần mềm cài đặt trên thiết bị di động. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi đến Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ trưởng Tổ Đảng, đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm một số vấn đề liên quan đến kỳ họp.

Bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: khai mạc, bế mạc; giám sát chuyên đề; thảo luận kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tiếp tục ứng dụng tối đa tiện ích của công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận, khai thác, sử dụng tài liệu, xin ý kiến của đại biểu Quốc hội, biểu quyết…, nhất là các phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động. Khi họp trực tuyến sẽ sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình (Video Conference) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thiết lập.

Việc thảo luận, tranh luận: Đại biểu tại 63 điểm cầu đăng ký phát biểu qua đường dây nóng (gọi 080.41992 - 080.41993 và sẽ trượt tới 10 máy lẻ để tiếp nhận thông tin), bảo đảm việc đăng ký thông suốt, cập nhật liên tục vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu; danh sách đăng ký phát biểu của đại biểu cũng được thể hiện (chạy chữ) trên màn hình tại phòng Diên Hồng. Cùng với đó, phần mềm đăng ký phát biểu cài đặt trên thiết bị di động cũng đang được khẩn trương hoàn thiện để thuận tiện hơn cho đại biểu. Đại biểu tại phòng Diên Hồng đăng ký phát biểu như thông lệ. Việc điều hành và quản lý thời gian thảo luận, tranh luận của đại biểu được thực hiện từ phòng Diên Hồng và theo quy định hiện hành.

Việc biểu quyết thực hiện thông qua phần mềm biểu quyết cài đặt trên thiết bị di động do AIC cung cấp, kết quả biểu quyết sẽ được thể hiện trên màn hình phòng Diên Hồng.

Trưởng các Đoàn đại biểu Quốc có trách nhiệm tổ chức, điều hành các hoạt động của Đoàn tại địa phương trong thời gian Quốc hội họp trực tuyến để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc điểm danh đại biểu tham dự tại điểm cầu (việc điểm danh đại biểu dự họp tại phòng Diên Hồng do Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện).

Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, tiến hành theo quy định và như thông lệ.

Sau chống dịch là tập trung phục hồi và phát triển kinh tế đất nước

Qua thảo luận về các vấn đề chuẩn bị kỳ họp thứ chín, các ý kiến đều đánh giá cao Tổng Thư ký, Văn phòng Quốc hội đã tiến hành các công tác chuẩn bị kỳ họp khoa học, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay. Kỳ họp thứ Chín diễn ra trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19, đây cũng là cơ hội đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, “trong nguy có cơ”, là một kỳ họp thể hiện sự đoàn kết dân tộc và là sự hiệu triệu cả nước, sau khi chống dịch sẽ tập trung phục hồi kinh tế, xây dựng, phát triển đất nước.

Về thời gian họp, trong đợt 1 vẫn tiến hành các hoạt động như thường lệ, chỉ có tiến hành qua hình thức họp trực tuyến. Tại Kỳ họp thứ 9 sẽ không có báo cáo riêng về dịch COVID-19, chỉ đề cập đậm đà hơn trong báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội. Về ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương chắc chắn sẽ hụt thu so với dự toán, nên cần xác định sẽ miễn, giảm, giãn, hoãn những khoản thu nào, bớt khoản chi nào, tăng chi cho an sinh xã hội… là những vấn đề sẽ phải báo cáo với Quốc hội. Trong đợt 1 cũng sẽ ưu tiên phê chuẩn hai hiệp định, tham gia Công ước 105; thảo luận những dự án luật đã đủ điều kiện trình ra Quốc hội xem xét thông qua.

Về cách thức tiến hành kỳ họp, những vấn đề người dân quan tâm sẽ vẫn được truyền hình, phát thanh trực tiếp như phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về kinh tế-xã hội, dân tộc miền núi… Tại Kỳ họp thứ 9 không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, nhưng quyền chất vấn sẽ vẫn được các ĐBQH thực hiện bằng gửi văn bản, các bộ trưởng, trưởng ngành có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu.