(Mặt trận) - Thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐTW ngày 30/01/2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về “Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, sáng 20/6, đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Điểu Kré, Ủy Viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; đại diện Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về phía lãnh đạo tỉnh có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Xuân Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước cho biết: Hiện tại tỉnh có 6 khu công nghiệp, thu hút khoảng 2.500 doanh nghiệp (DN), đơn vị kinh tế vào hoạt động, với số lao động trên 90 ngàn người. Trong số đó, DN nhà nước đã có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 15 DN, với khoảng 21.430 lao động; doanh nghiệp FDI có khoảng 95 đơn vị, với hơn 43 ngàn lao động; DN liên doanh có trên 2 ngàn đơn vị, với hơn 26 ngàn lao động.
Kết quả thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn: Việc triển khai và thực hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia có trách nhiệm của MTTQVN và đoàn thể các cấp; từ đó có nhiều thuận lợi, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.
Tổ chức các nội dung theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua nhiều hình thức, như công khai nội dung ở khu dân cư, công khai thông qua niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, bản tin ở khu dân cư gắn với các đợt sinh hoạt chính trị hàng năm. Lãnh đạo Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người có uy tín, cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. Tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nơi có vấn đề bức xúc, trong dự án giải tỏa, quy hoạch, làm đường… giá đền bù, tái định cư dân chưa đồng thuận.
Các đại biểu phát biểu tại buổi làm việc
Sở Tư pháp chủ trì tổng kết xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hướng dẫn xây dựng sửa đổi, bổ sung quy ước của thôn, khu phố phù hợp với địa bàn dân cư và xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác tuyên truyền, đã vận động nhân dân tham gia góp ý các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của người dân; vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Tính đến hết tháng 12/2017, toàn tỉnh có 27/92 xã đạt 19 tiêu chí; 5/92 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 42/92 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 18/92 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Năm 2018, tỉnh phấn đấu thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với việc thực hiện QCDC trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, các ngành thường xuyên tiếp xúc với nhân dân như: y tế, giáo dục, thuế, công an…, việc triển khai thực hiện QCDC được thực hiện cả ở quan hệ dân chủ trong nội bộ đơn vị và quan hệ với khách thể: học sinh, sinh viên, phụ huynh, bệnh nhân và người thân của bệnh nhân, hướng dẫn người nộp thuế, thủ tục hành chính,… tạo dựng được mối quan hệ hài hoà trong nội bộ cơ quan và ngoài xã hội, góp phần hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong nội bộ ngành.
Kết quả việc tiếp công dân, đối thoại với nhân dân, giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến quyền lợi của người dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân cơ bản thực hiện tốt theo quy trình, đa số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Duy trì lịch tiếp dân định kỳ của lãnh đạo và bố trí cán bộ chuyên môn tham mưu giải quyết sự vụ. Nhiều vụ khiếu kiện đông người vượt cấp trong việc thu hồi đất lâm nghiệp, lấn chiếm trái phép ở các huyện Bù Đốp, Phước Long, Bù Gia Mập, Đồng Phú, Bù Đăng đều được UBND tỉnh, UBND huyện, các sở, ngành, MTTQ, các hội đoàn thể tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, vừa tuyên truyền chính sách, pháp luật, vừa lắng nghe yêu cầu, kiến nghị của nhân dân để có phương án giải quyết, có lý, có tình đúng quy định của pháp luật theo Kế hoạch số 10 -KH/UBND tỉnh ngày 16/01/2018 của UBND tỉnh.
Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc xây dựng, bổ sung và ban hành khá đầy đủ các quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, phù hợp với tình hình quản lý sản xuất kinh doanh, như: ký kết thỏa ước lao động tập thể, quy chế làm việc của Ban Giám đốc, quy chế phối hợp giữa Ban Giám đốc với Ban Chấp hành Công đoàn, quy chế công khai tài chính, quy chế phân phối tiền lương, quy chế thi nâng bậc, khen thưởng, kỷ luật, quy chế đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công nhân viên chức và người lao động…
Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc lắng nghe ý kiến của dân thì việc thực hiện quy chế dân chủ trở nên nghiêm túc, hiệu quả. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi thực hiện quy chế dân chủ nhưng phải tuân thủ pháp luật và coi đó là động lực phát triển của tỉnh...
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc thực hiện QCDCCS ở Bình Phước. “Thời gian qua, Bình Phước đã rất quan tâm, thực hiện các chủ trương, văn bản của Trung ương. Sau những năm tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Phước đã có sự phát triển nhanh, khá toàn diện về kinh tế, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, quan tâm các vấn đề về văn hóa, xã hội; quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân, đặc biệt là quốc phòng, an ninh được đảm bảo, cũng như công tác đối ngoại được thực hiện tốt”.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, QCDCCS tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, nơi nào thực hiện tốt QCDCCS, nơi đó có hiệu quả về nhiều mặt, đặc biệt là yên dân, được dân đồng tình ủng hộ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị, “Cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện QCDCCS. Kinh nghiệm cho thấy, việc gì Đảng đề ra chủ trương, Đảng giảm sát sát sao thực hiện thì hiệu quả sẽ rất cao. Cần thực hiện cụ thể, tránh làm chung chung, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác tuyên truyền trong nội bộ nhân dân, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp dân. Vấn đề này hết sức quan trọng, nơi nào có khiếu kiện nhiều thì nơi đó cần phải xem lại công tác này.” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Song song với những việc làm trên, cần nâng cao trình độ của nhân dân, bởi khi dân có trình độ, kiến thức sản xuất thì việc thoát nghèo dễ hơn. Đối với Mặt trận và các đoàn thể, cần thực hiện tốt việc giám sát thực hiện QCDCCS. Động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt việc thực hiện QCDCCS; đồng thời cũng cần xử lý nghiêm những nơi thực hiện chưa tốt.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai đề nghị tỉnh Bình Phước cần gắn thực hiện QCDCCS với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sang khu vực cải thiện nâng cao thu nhập của người dân, giảm bớt lao động về nông nghiệp; tiếp tục thay đổi nhận thức, từ cấp ủy tới chính quyền, đoàn thể chính trị trực tiếp là QCDCCS.
“Quyền làm chủ phải được đặt trong tổng thể Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; quan tâm thực sự đến cơ chế dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để người dân phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của mình; gắn phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao dân trí; phù hợp với hiến pháp, pháp luật, thực hiện đúng kỷ cương, không tùy tiện. Tuy nhiên, người dân được làm những gì pháp luật không cấm, tức là không được hạn chế quyền của người dân. Dân chủ phải đi với quá trình cải cách hành chính, làm sao phải làm cho người dân ngày càng hài lòng hơn. Tiếp tục nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, người dân được tham gia; thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số” - Bà Trương Thị Mai lưu ý.
Bên cạnh đó, đề nghị Tỉnh ủy Bình Phước, kiểm tra, rà soát lại QCDCCS ở các DN, nhằm hạn chế những việc bức xúc, tranh chấp xảy ra. Thúc đẩy giám sát, phản biện của MTTQ, thực hiện hiệu quả đối thoại, đặc biệt là những điểm nóng, đối thoại từ cấp tỉnh tới cơ sở, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà tại Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước
Trước đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và các thành viên đoàn công tác đã tới thăm và làm việc với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, thời gian tới, Bình Phước tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời đổi mới để phù hợp với vai trò, nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt trong hoàn cảnh bộ máy, nhân sự đang có xu hướng giảm dần, tinh gọn, trong khi đó công việc thì không giảm. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc hãy kiến nghị để có những đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Phước.
Quốc Định