Kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều địa phương ĐBSCL dỡ bỏ một số hạn chế

(Mặt trận) - Hiện nay, số ca mắc Covid-19 tại nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL đã giảm mạnh so với trước đó. Những ngày qua, các địa phương này đã cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường, đồng thời, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát tốt dịch bệnh này.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Cà Mau kiến nghị cho phép tiêm mũi 3 cho người từ 12-17 tuổi. 

Trong những ngày gần đây, diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cơ bản được kiểm soát tốt, tỷ lệ người dân từ 12 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine đạt trên 98%, số ca nhiễm trong cộng đồng ngày càng giảm.

Trước tình hình khả quan này, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa cho kết thúc việc giới hạn thời gian ra đường để tạo thuận lợi cho người dân mua bán, sản xuất kinh doanh. Trước đó, theo công văn 2988, UBND tỉnh Sóc Trăng quy định, kể từ 21 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau, người dân không ra đường.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban ngành, mặt trận, hội, đoàn thể, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn nâng cao hơn nữa ý thức tự giác phòng, chống dịch Covid-19. Đối với các cuộc họp, hội nghị tập trung đông người thì tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người ngoài cơ quan, đơn vị đến tham dự.

Tại tỉnh Bạc Liêu, trong tuần qua, với số ca mắc Covid-19 giảm nhiều so với trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã quyết định hạ cấp độ dịch của tỉnh từ cấp độ 3- nguy cơ cao (vùng cam) xuống cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng). Cấp độ dịch ở cấp huyện đến cấp xã trong tỉnh cũng đều giảm không còn cấp độ 3, 4 (vùng cam, vùng đỏ).

Bên cạnh việc cho phép nhiều hoạt động trở lại bình thường nhưng tất cả mọi người phải chấp hành nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, tỉnh Bạc Liêu cũng có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán 2022. Trước mắt là học sinh các khối lớp 5, 9 và 12. Hiện, ngành Giáo dục đang đề nghị ngành Y tế hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn về xử lý nếu có trường hợp F0 trong trường học, đồng thời, phối hợp với các địa phương kiểm tra lại cơ sở vật chất, tiến hành sửa chữa trường lớp để đón học sinh trở lại trường.

Tại tỉnh Hậu Giang, trước tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, UBND tỉnh cũng đã ban hành công văn về việc thống nhất tổ chức cho học sinh lớp 12 trở lại trường học tập trực tiếp trên địa bàn huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ, bắt đầu từ ngày mai 10/1. 

Theo đó, chỉ khối lớp 12 tại 3 địa phương này học trực tiếp tại trường, các lớp học của các khối lớp còn lại tại các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục tổ chức học trực tuyến và học qua truyền hình trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Dựa trên tình hình thực tế diễn biến dịch bệnh, đánh giá mức độ an toàn theo các tiêu chí đã ban hành, kế hoạch tổ trực dạy học trực tiếp của các trường… UBND tỉnh sẽ có những chỉ đạo cụ thể tiếp theo.

Ông Nguyễn Hoàng Liêm- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, thuộc huyện Long Mỹ, cho biết, những ngày qua, nhà trường đã bắt tay vào công tác vệ sinh, khử khuẩn bố trí phòng lớp giãn cách…để đón học sinh đến trường học tập trong điều kiện an toàn, phòng dịch Covid-19 hiệu quả nhất.

 “Trường đã có những bước chuẩn bị khá chu đáo như khử khuẩn, vệ sinh cảnh quan, môi trường, lắp thêm các bồn rửa tay, máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế dự phòng, phòng cách ly tạm thời. Đối với học sinh từ nhà đến trường phải đeo khẩu trang 100%, đồng thời phải thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến, không ghé ở các hàng quán mà đi thẳng đến trường. Sau khi đến trường học thì thực hiện theo sự hướng dẫn của nhà trường và khi trở về thì cũng đi thẳng về nhà”, ông Nguyễn Hoàng Liêm nói.

UBND tỉnh An Giang cũng vừa đồng ý chủ trương thí điểm cho học sinh lớp 9 và 12 ở một số trường thuộc huyện Châu Phú học trực tiếp từ ngày mai 10/1. Sau khi có kết quả thí điểm, UBND tỉnh sẽ có phương án mở rộng cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh trở lại trường học trực tiếp theo lộ trình.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Công văn số 17 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến chủng mới (Omicron) của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Riêng tại tỉnh Cà Mau, những ngày gần đây, số ca nhiễm mới trung bình vào khoảng 600 ca/ngày, thấp hơn rất nhiều so với 1 tuần trước.

Tuy nhiên, theo Sở Y tế Cà Mau, một trong những khó khăn rất cơ bản trong công tác phòng, chống dịch địa phương đang gặp là thiếu vật tư y tế. Nguồn oxy lỏng và các túi thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Khả năng trong những ngày tới có thể không còn đủ để phục vụ điều trị F0 trong điều kiện mỗi ngày phát hiện khoảng 500 ca nhiễm mới.

Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế cấp phát thêm thuốc kháng virus SARS-CoV-2 để kịp thời khống chế dịch bệnh, giảm tỷ lệ F0 chuyển nặng và tử vong; Tránh quá tải cho các cơ sở điều trị tầng 2 và 3.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết: “Tình hình dịch phức tạp chúng tôi đã báo cáo Bộ Y tế, Bộ Công Thương hỗ trợ cung cấp nguồn Oxy ổn định cho tỉnh.  Tỉnh đã được Bộ Y tế cấp thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 nhưng số lượng không đáp ứng đủ cho bệnh nhân; chúng tôi cũng kiến nghị hỗ trợ thêm thiết bị y tế để phục vụ cấp cứu bệnh nhân nặng”.

Tỉnh Cà Mau cũng kiến nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 12 - 17 tuổi để tăng độ bao phủ vaccine, hạn chế ca chuyển nặng, tử vong, nhất là để phụ huynh yên tâm cho học sinh đi học trở lại vào thời gian tới. Hiện, Cà Mau đã tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 99%./.