(Mặt trận) - Những tuần gần đây, biến chủng Omicron đã khiến toàn thế giới lo lắng khi nó mang nhiều biến thể nhất của virus SARS-CoV-2. Sự xuất hiện của biến chủng mới này vẫn đang được nghiên cứu xem ảnh hưởng thực sự của nó đến toàn cầu như thế nào.
Ở thời điểm hiện tại, thế giới phải chấp nhận việc sống chung với virus SARS-CoV-2. Tại nhiều quốc gia có nguồn vaccine dồi dào trong năm qua, tỷ lệ tiêm chủng vẫn chưa đạt 100%. Thậm chí, nếu mọi người trên trái đất đạt được miễn dịch tự nhiên hoặc qua tiêm vaccine, virus vẫn có thể trốn trong các vật chủ là động vật và lây nhiễm sang con người trong một hình thái khác.
Khi biến thể Omicron xuất hiện, tác động của nó trong đại dịch này sẽ được quyết định bởi khả năng lây nhiễm, mức độ thoát khỏi hệ miễn dịch và mức độ nghiêm trọng đến bệnh mà nó gây ra. Nó có thể mang đến những kịch bản tồi tệ nhất hay lý tưởng nhất để giúp thế giới vượt qua được đại dịch? Để có thể làm rõ được vấn đề này, thế giới vẫn cần thời gian để nghiên cứu cũng như chứng kiến xem khả năng biến chủng này có thể làm những gì.
Nếu biến thể Omicron lây lan giữa các vật chủ, làm giảm các kháng thể trung hòa và gây nên những triệu chứng nguy hiểm bất thường thì thế giới sẽ phải đối mặt với một thách thức mới cả về khả năng điều trị cũng như các loại vaccine hiện nay. Tuy nhiên, nếu biến thể Omicron trở thành một biến thể siêu lây nhiễm nhưng chỉ gây ra những triệu chứng nhẹ thì nó sẽ là một biến thể giúp chúng ta sống chung với đại dịch. Một số chuyên gia dự đoán Covid-19 sẽ trở nên ít nghiêm trọng hơn khi nó chuyển sang cấp độ bệnh đặc hữu, trở thành bệnh truyền nhiễm dễ dự đoán hơn ở một số khu vực nhất định, có thể Omicron là bước đầu tiên trong quá trình này.
“Nhân tố mới” cho thấy chuyển biến của đại dịch
Thế giới vẫn chưa có nhiều thông tin về biến thể Omicron mới, những gì người ta đã biết là nó có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy, đặc biệt là ở protein gai và có vẻ như lây lan nhanh chóng ở những khu vực nhất định trên thế giới. Theo các thông tin ban đầu từ Nam Phi, dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thận trọng trong bối cảnh dữ liệu liên quan đến biến thể này vẫn còn rất hạn chế, và ở thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Omicron có khả năng lẩn tránh vaccine cao hơn so với các biến thể SARS-CoV-2 khác như Delta hay không. Nhưng theo quá trình lây nhiễm, những người nhiễm Omicron không bị mắc bệnh nặng. Thông thường người ta biết rằng, một khi nó trở nên phổ biến trong một bộ phận dân số, các virus sẽ giảm độc lực, do đó cũng gây bệnh nhẹ hơn.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ vì sao biến thể Omicron dường như có khả năng lây truyền cao, nhưng lại cho thấy dấu hiệu nhẹ. Vì vậy ở giai đoạn này, vẫn chưa có thông tin về việc biến thể này có sinh ra tải lượng virus cao hơn các chủng khác hay không. Truyền virus là một quá trình nhiều giai đoạn phức tạp, có nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lây truyền cao của Omicron. Nếu biến thể Omicron tiếp tục cho thấy những dấu hiệu nhẹ hơn biến thể Delta, và nếu nó còn lây lan nhanh hơn biến thể Delta thì đây có thể là một điều đáng mừng.
Theo các nhà nghiên cứu, khi 2 biến thể cùng lưu hành, biến thể nào lây nhiễm sang nhiều người hơn thường sẽ chiếm ưu thế. Biến thể đó có thể chiến thắng bởi nó vừa nhân lên nhanh hơn trong vật chủ là con người, vừa lây lan hiệu quả hơn, tức là nó dễ lây nhiễm hơn hoặc có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch một cách khéo léo hơn. Việc thoát khỏi hệ miễn dịch mặc dù có thể gây hoang mang và không ai mong muốn họ lại mắc bệnh một lần nữa. Song, việc tái nhiễm một biến thể không có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không cần máy thở có lẽ không phải là một kịch bản tồi tệ.
Vẫn là ẩn số!
Bên cạnh những dự đoán có mặt tích cực về biến chủng Omicron, thì nó cũng chứa đựng những mặt trái có thể dẫn tới một thảm kịch khác. Một kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với biến thể Omicron siêu lây nhiễm và gây nên các triệu chứng siêu nhẹ là những người nhiễm bệnh có lẽ không có đủ sự bảo vệ về sau. Những ca mắc Covid-19 nhẹ có thể không khiến hệ miễn dịch sản sinh ra nhiều kháng thể như khi mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nhà dịch tễ học tại Đại học Washington ở St. Louis Ali Ellebedy cho biết, các ca bệnh nhẹ không phải lúc nào cũng không tạo ra được hệ miễn dịch mạnh. Ông giải thích rằng, khi bạn mắc bệnh, hệ miễn dịch của bạn sẽ có phản ứng, thậm chí nếu bạn không bị ốm, cơ thể của bạn có lẽ vẫn sản sinh ra các kháng thể và huấn luyện các tế bào T để đối phó với những tác nhân xâm nhập trong lần tiếp theo. Song, biến thể Omicron có thể khiến dịch bệnh diễn biến theo một chiều hướng khác như chúng có thể lây nhiễm mạnh hơn Delta nhưng độc tính giảm bớt, điều này có thể đưa chúng ta quay lại các biện pháp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn trong một khoảng thời gian.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) Nam Phi cảnh báo, vẫn còn quá sớm để kết luận rằng biến thể Omicron chỉ gây các triệu chứng mắc Covid-19 nhẹ. Theo các nhà khoa học, tác động thực sự của biến thể Omicron rất khó xác định vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người trẻ tuổi và mọi người có xu hướng ốm nặng hơn sau khi nhiễm virus trong một thời gian dài. Những ca mắc mới nhất chủ yếu ở các nhóm người trẻ tuổi, nhưng chúng đang bắt đầu lây lan sang cả những nhóm người cao tuổi.
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Viện Giải trình tự và Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal (KRISP) Richard Lessells cho rằng, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gây ra do chủng mới có thể rất khó phát hiện do nhiều người đã hình thành khả năng miễn dịch sau khi được tiêm vaccine hoặc từng hồi phục sau khi nhiễm các biến thể mới. Nếu biến thể này lây lan rộng rãi trong cộng đồng, nó sẽ nhanh chóng tìm đến những người chưa tiêm vaccine và có thể gây triệu chứng nghiêm trọng. Trong một vài tuần tới, các chuyên gia y tế sẽ xem liệu biến chủng mới này là một tín hiệu tốt hay lại là một điềm báo cho thảm kịch tồi tệ hơn trong tương lai.
Như Ý