“Khúc tráng ca hòa bình“: Tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc

(Mặt trận) - Tối 27/7, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). "Khúc tráng ca hòa bình" được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 6 điểm cầu.

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chủ tịch nước Lương Cường tiếp Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân Cuba

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Quốc hội Cuba

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Cầu truyền hình tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTTXVN)  
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đại biểu dự chương trình tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh (Ảnh: VGP ) 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự chương trình dự Cầu truyền hình trực tiếp "Khúc tráng ca hòa bình" tại Quảng Nam - Ảnh: VGP/Trần Mạnh 
 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dâng hương tại Đền thờ tưởng niệm tại thị xã Hoài Nhơn, điểm cầu Bình ĐỊnh - Ảnh: VGP/Minh Trang
Các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Giang - Ảnh: VGP/Hải Minh 

Tham dự chương trình tại điểm cầu Tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn ở thủ đô Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (TP Hồ Chí Minh) có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Tham dự chương trình tại điểm cầu Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, tỉnh Quảng Nam có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường. 

Điểm cầu tại Đền thờ liệt sĩ Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị QĐND Việt Nam Lương Cường, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Tham dự chương trình từ điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh. 

Phó Chủ tịch – Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu tại điểm cầu An Giang. 

Tại điểm cầu Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh An Giang tham dự chương trình có Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang. 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện nghi thức tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại An Giang - Ảnh VGP/Đức Tuân 

Tham dự chương trình từ 6 điểm cầu còn có các đồng chí Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh,  gia đình liệt sĩ, người có công, đại biểu đại diện lãnh đạo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nơi tổ chức điểm cầu.

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” được thực hiện với 3 chương mang đến những hình ảnh ấn tượng, nhiều cảm xúc và những câu chuyện xúc động về những thương binh, liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân của những người lính đã ngã xuống cho nền hòa bình của đất nước. 

Chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta mãi mãi ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ - Ảnh VGP/Đức Tuân 

Trong đó, chương 1 “Những dấu chân hòa bình” thể hiện dân tộc ta từ bao đời nay, khi Tổ Quốc cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã "sống và hy sinh vì hòa bình".

Tại chương này, khán giả được lắng nghe câu chuyện về “Tuổi 20 giữa bão lửa” của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung – người đã viết đơn tình nguyện vào thực tập và chiến đấu tại Quảng Bình, vùng đất được gọi là tọa độ lửa, ngày đêm hứng chịu bom đạn Mỹ. Liệt sĩ hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi để lại cuốn nhật kí với những dòng viết đầy nhiệt huyết tuổi trẻ: "Nếu lòng ta cứ sợ mưa sa - Thì nắng đẹp mùa xuân đâu sẽ thấy". Bên cạnh đó là câu chuyện về “Một thời hoa lửa” của Bà Trần Thị Dự (74 tuổi) - người con đất Quảng Nam về những ngày tháng thanh xuân cùng bạn bè chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những hi sinh anh dũng của những cô gái ngày ấy mới 19, 20 - ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương. 

Màn hát múa tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. (Ảnh: TTXVN) 

Chương 2: Bài ca không quên là câu chuyện về sự cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao - đi qua những mất mát của chiến tranh - đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác: Có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những ngưởi mải miết đi tìm những đồng đội cũ…, tất cả để tri ân - tưởng nhớ những người đã ngã xuống. Những người còn sống luôn mang trong mình những "Bài ca không quên" về những người đã ngã xuống vì hòa bình.

Tại chương này, khán giả đã cùng lắng nghe câu chuyện về Liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh – người lính Vị Xuyên, Hà Giang đã bất khuất hi sinh 38 năm trước khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/Chết hóa đá bất tử” lan tỏa khắp mặt trận Vị Xuyên. Dòng chữ ấy được truyền tai nhau và trở thành một thứ “vũ khí tinh thần”, một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày đêm chiến đấu thời gian đó.

Bên cạnh đó là câu chuyện về những gia đình đã được đón người thân đang nằm lại chiến trường trở về nhà nhờ vào phương pháp thực chứng do đội quy tập K53 và Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Kon Tum. Cùng với đó là câu chuyện của Đội tìm kiếm K93 đã tìm kiếm và qui tập, hồi hương được 3.293 hài cốt liệt sĩ, trong đó tại Campuchia là gần 2000 ngôi mộ và xác định được danh tính là gần 400 ngôi mộ. 

Tiết mục nghệ thuật trong chương trình tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: TTXVN 

Còn Chương 3 “Khát vọng hòa bình” truyền thông điệp người Việt Nam hiểu hơn hết về "cái giá của hòa bình" sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh. Các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ từng căn dặn.

Tại chương này, khán giả được lắng nghe câu chuyện về những “Lời hứa hòa bình” của những người thương binh trở về với hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh. Đó là lời hứa thiêng liêng của những người còn sống với những đồng đội đã khuất: những hi sinh để đổi lấy hòa bình cho dân tộc, ấm no cho nhân dân, phồn vinh cho đất nước; câu chuyện về những thế hệ trẻ, mang khát vọng hòa bình vang xa với tấm lòng tri ân, tưởng nhớ thế hệ cha anh đã ngã xuống vì dân tộc.

Điểm cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tại Quảng Nam. 

Bên cạnh những câu chuyện đầy bi tráng về những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, những tiết mục được đầu tư công phu tại các điểm cầu cũng là điểm nhấn vô cùng ấn tượng của chương trình như: Giao hưởng "khúc tráng ca hoà bình", Liên khúc Lá xanh - Gửi anh đi đầu quân - Hát mãi khúc quân hành, liên khúc Kỷ niệm của tôi - Thời hoa đỏ, liên khúc Vết chân tròn trên cát - Tổ quốc gọi tên mình, Đóa hoa xanh, Luỹ đá bất tử, Bài ca không quên, liên khúc Huyền thoại mẹ - Đất nước, Đất nước tình yêu, Một đời người, một rừng cây hay liên khúc Em như chim câu trắng - Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ … qua giọng ca của rất nhiều các nghệ sĩ đưa khán giả trở lại mạch cảm xúc đầy bi tráng và xúc động của chương trình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân! - Ảnh: TTXVN 

Với thông điệp "Vươn lên Việt Nam", phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 4 ngày, gặp gỡ các cựu chiến binh nhân 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ đã được phát trang trọng tại chương trình.

"Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt hoan nghênh, đánh giá cao ý chí tự lực, tự cường của các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, những mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Trong phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ cùng các đồng chí thương binh, bệnh binh với tinh thần "tàn nhưng không phế," cùng thân nhân, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. "Tất cả mọi người chúng ta hãy luôn luôn ghi nhớ và tâm niệm "Hãy sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc sao cho xứng đáng với những người đã khuất, đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân!".

 

Kết thúc chương trình, tổ khúc "Cánh chim hoà bình" và "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" vang lên hào hùng và thiết tha. Những cánh chim trên mảnh đất hoà bình - nơi không còn nước mắt rơi chia lìa để người người sống trong yêu thương - là khát vọng chung không chỉ của Việt Nam mà của mọi quốc gia trên thế giới. Những thế hệ sau mãi mãi không quên sự hi sinh của những người đã ngã xuống vì hòa bình trên khắp Việt Nam.

Mỗi thế hệ người Việt lớn lên trong hòa bình từ những chắt chiu, hi sinh của cha anh trong chiến tranh, mang theo những hạt mầm về đoàn kết, gắn bó và sẻ chia - để cùng hóa thân cho dáng hình xứ sở, làm nên Đất nước do nhân dân và của nhân dân muôn đời sau.

Tại 6 đầu cầu đồng loạt cất cao thông điệp: Hiểu về cái giá của hòa bình để nhắc chúng ta phải sống tốt hơn, sống trách nhiệm hơn để rạng danh đất nước - để chung tay vì cơ đồ - vị thế của Việt Nam. Và những cánh chim bồ câu được gửi thay lời ước nguyện "khát vọng sống mãi trong hòa bình" của những người con đất Việt - tận tâm, tận lực làm nên Đất nước muôn đời!