Khí thế thi đua, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc kết thành “Ngàn hoa dâng Bác”

(Mặt trận) - Tối 3/6, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp tổ chức cầu truyền hình “Ngàn hoa dâng Bác”, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Chương trình được truyền hình trực tiếp tại hai điểm cầu là Khu di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hoá và Bảo tàng Hồ Chí Minh (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh).

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tham dự điểm cầu tại Thái Nguyên có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng những nhân chứng lịch sử, những nhà khoa học, những thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa...

Cầu truyền hình là một trong những hoạt động văn hóa-nghệ thuật trọng điểm, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Chương trình được thực hiện tại 2 điểm cầu truyền hình: Bảo tàng Hồ Chí Minh - Thành phố Hồ Chí Minh (nơi bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành) và Di tích lịch sử An toàn Khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc). Kết nối hai địa danh lịch sử đặc biệt quan trọng này trong một sự kiện văn hóa là dịp để chúng ta có thêm cơ hội cảm nhận sâu sắc giá trị to lớn của khí thế thi đua, của lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc, để mỗi người có thêm động lực mới trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn mới...

Bảy thập kỷ qua, kể từ khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến động, dân tộc ta cũng trải qua biết bao hy sinh mất mát, gian khổ, thăng trầm. Mệnh lệnh “Tiến lên” trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vạch đường, chỉ lối, soi rọi cho phong trào cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Lời kêu gọi thi đua ái quốc thể hiện súc tích, sinh động tư tưởng của Người về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân để lo việc nước. Nhờ ánh sáng chân lý ấy, chúng ta đã hội tụ sức mạnh từ “lực lượng vô tận của dân tộc”, “dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng” như lời Bác dạy.

Trải qua thử thách, thăng trầm của lịch sử, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác trở thành di sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc. Thời đại mới mở ra những vận hội và thách thức mới cho đất nước trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế. Tinh thần yêu nước, khí thế thi đua từ mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi tổ chức, cá nhân… luôn là nhân tố tạo nên sức mạnh, nguồn lực to lớn đi đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Cùng gặp gỡ, giao lưu với nhân chứng lịch sử, tại điểm cầu Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Hằng - nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bày tỏ niềm xúc động khi xem lại đoạn trích từ bộ phim tư liệu quý “Nước về Bắc Hưng Hải” của đạo diễn Bùi Đình Hạc sản xuất năm 1959. Bắc Hưng Hải là công trình đại thủy nông lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Những hình ảnh chân thực này đã cho chúng ta một cảm xúc rất đặc biệt về không khí thi đua và những phong trào thi đua lao động, sản xuất sôi nổi ngày ấy.

“Thời đó, tinh thần của Bắc Hưng Hải lan tỏa khắp các tỉnh của miền Bắc. Tôi vẫn nhớ không khí thi đua nhà nhà người người, gia đình tôi, thanh niên nam nữ, già trẻ gái trai đều ra công trường đắp đê, ngăn mặn, ngăn lũ. Tất cả làm việc với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, không kể ngày đêm, tuy cực nhọc nhưng vui lắm. Chúng tôi tự mang gạo từ nhà ra ăn ở lán trại, thay ca nhau, đói thì ăn rau rừng, làm việc với tinh thần tình nguyện, tinh thần vì miền Nam. Mong mỏi nhất hồi đó, đói rách cũng được, là vì miền Nam, đất nước được thống nhất. Chúng tôi chỉ có nguyện vọng tha thiết như vậy.”, bà Hằng xúc động chia sẻ.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: Sự kiện này cách đây 70 năm, trong lời kêu gọi Bác nêu rõ mục tiêu thi đua ái quốc để làm gì, diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt, diệt gặc ngoại xâm. Ngay lúc bây giờ Bác đã coi dốt nát là một loại giặc không kém cấp bách. Làm cách nào, Bác nói rất giản dị, cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân. Khi mà đất nước tại thời điểm khó khăn, không ai giúp đỡ thì đại đoàn kết và mỗi người vượt lên chính mình là quan điểm của ta, phát động thi đua ái quốc chính là góp phần tạo nên sức mạnh đặc biệt này.

Chính vì vậy, mỗi giai đoạn lịch sử, làm theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác, thành phố mang tên Người và đồng bào, chiến sĩ cả nước lại có thêm hàng ngàn, hàng vạn “bông hoa đẹp” trong “vườn hoa” thi đua yêu nước. Người tốt, việc tốt xuất hiện ngày càng nhiều, kết thành ngàn hoa dâng Bác. Xưa là những anh hùng, dũng sĩ trên trận tuyến chống quân thù, là những bà má Sài Gòn dám hy sinh tất cả để nuôi giấu cán bộ của Đảng ngay trong lòng địch. Nay là những trí thức, doanh nhân giàu khát vọng cống hiến; là những chiến sĩ lực lượng vũ trang sẵn sàng xả thân vì cuộc sống bình yên của nhân dân, là những người dân góp công góp sức làm việc thiện… Mỗi “bông hoa” một hương sắc, dâng lên Bác với tất cả lẽ sống, niềm tin, lòng thiện nguyện và khát vọng cống hiến. Ngàn hoa dâng Bác là sự hội tụ của tinh thần, ý chí, trí tuệ, đạo đức… của thế hệ hôm nay, noi gương Bác, làm theo Bác, mãi mãi đi theo ánh sáng chân lý của Người soi rọi, vì đất nước hưng thịnh, vì dân tộc phồn vinh...

Chiều cùng ngày, tại tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn đại biểu đã tới dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Thái Nguyên.