Khảo sát về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại Hải Dương và Hải Phòng

(Mặt trận) - Trong các ngày 17, 18/10/2017, Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào phối hợp với Ban Đối ngoại và Kiều bào - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có chuyến khảo sát về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại tỉnh Hải Dương và TP. Hải Phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Đoàn khảo sát do ông Nguyễn Phú Bình, Đại sứ, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào làm Trưởng đoàn, cùng thành viên Hội đồng tư vấn Đối ngoại và Kiều bào, đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Đối ngoại và Kiều bào.

Đoàn khảo sát làm việc với Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, Hội Liên lạc người VNONN và thân nhân kiều bào tỉnh Hải Dương.

Trong khuôn khổ chuyến làm việc, đoàn công tác đã trao đổi với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Thân nhân kiều bào, gặp gỡ một số Việt kiều đang làm ăn, sinh sống tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương để tìm hiểu những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiều bào.

Đoàn khảo sát đã nghe ông Trần Văn Duyệt, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương và bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng thông tin về tình hình kiều bào và thân nhân kiều bào tại địa phương; đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Hải Dương có gần 4 vạn người đang sinh sống, làm việc tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cộng đồng người Hải Dương ở nước ngoài sống đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau, chấp hành tốt pháp luật nước sở tại và luôn hướng về quê hương, đất nước; lượng kiều hối của kiều bào gửi về hàng năm đạt từ 250-270 triệu USD, trong năm 2016 là 279 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 dự án của kiều bào trực tiếp đầu tư, với tổng số vốn là 37,856 triệu USD, đầu tư vào các lĩnh vực may mặc, kinh doanh bất động sản và thức ăn, chăn nuôi.

Trong khi đó, cộng đồng người Hải Phòng ở nước ngoài có khoảng trên 3 vạn người, đang sinh sống và làm việc tại 58 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đang có xu hướng tiếp tục tăng về số lượng, mở rộng địa bàn cư trú. Phần lớn kiều bào Hải Phòng ở nước ngoài đều yên ổn sinh sống, làm ăn, hòa nhập vào xã hội sở tại; thường xuyên giữ liên lạc với quê hương và thân nhân. Lượng kiều hối gửi về thành phố dao động trên dưới 200 triệu USD/năm, tăng trung bình 10-15%/năm, đóng góp quan trọng vào việc ổn định cán cân thanh toán về kinh tế của thành phố (6 tháng đầu năm 2017 đạt 112 triệu USD). Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 37 doanh nghiệp vừa và nhỏ của kiều bào được thành lập, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải, thương mại, giáo dục, nuôi trồng thủy sản.

Hội Thân nhân kiều bào hay là Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của Hải Dương và Hải Phòng đều có những hoạt động rất tích cực, thiết thực, làm cầu nối giữa đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; giúp cộng đồng người Việt ở nước nước ngoài nắm được thông tin, tình hình trong nước và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện để kiều bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ gìn mối quan hệ gắn bó với gia đình, quê hương. Hàng năm vào dịp đầu xuân mới, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Hải Dương và Hải Phòng phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức gặp mặt kiều bào hồi hương và thân nhân kiều bào để lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, chúc Tết và thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh tới bà con Việt kiều.

Hoạt động của Hội Liên lạc với NVNONN thành phố Hải Phòng.

Cũng tại buổi làm việc với đoàn khảo sát, một số đại diện thân nhân kiều bào, đại diện Việt kiều đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa phương đóng góp nhiều ý kiến, tâm tư nguyện vọng, trong đó chủ yếu tập trung vào những băn khoăn trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, đặc biệt là việc dạy và học tiếng Việt, khi mà thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam tại nước ngoài đang dần mai một tiếng Việt. Kiều bào cũng có những ý kiến liên quan đến vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh tại địa phương, như việc có sự ưu ái nhà đầu tư trong nước hơn là kiều bào, những khó khăn trong việc xin cấp hoặc xin thuê đất để kinh doanh, những bất cập trong chính sách thuế...

Nhiều bà con kiều bào cũng bày tỏ mong muốn làm sao để Nhà nước có những chính sách thực sự cụ thể, rõ ràng và có sự nhất quán giữa chính sách và thực thi chính sách. Bên cạnh đó, bà con cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để thu hút các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Kiều bào cho rằng, nếu chỉ giữ họ ở vai trò cố vấn như nhiều trường hợp từ trước đến nay thì khó khuyến khích được sự trở về của các chuyên gia. Do đó, nguồn lực tri thức của kiều bào chưa được Nhà nước chú trọng và khai thác hết tiềm năng.

Kết thúc chương trình làm việc, thay mặt đoàn khảo sát, ông Nguyễn Phú Bình đánh giá cao những kết quả mà Hải Dương và Hải Phòng đạt được trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là hai địa phương có nhiều hoạt động rất nổi bật và có nhiều kinh nghiệm hay cần nhân rộng. Về những kiến nghị của kiều bào trong lĩnh vực thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, nhất là về thuế, hải quan, đề nghị các cơ quan chức năng của các địa phương tiếp thu và có những giải pháp thích hợp. Các ý kiến, kiến nghị liên quan đến chính sách, pháp luật sẽ là cơ sở để đoàn khảo sát tổng hợp, nghiên cứu để đề xuất xây dựng một bảng câu hỏi dành cho kiều bào.

Đoàn công tác thăm dự án Làng Việt kiều tại TP. Hải Phòng.

Ngoài ra, Đoàn khảo sát cũng đã trực tiếp đến thăm cơ sở sản xuất chăn đệm CaNaDa của ông Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada và Dự án “Làng Việt Kiều” của ông Tài Phương, Việt kiều Mỹ.