Khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước

(Mặt trận) - Sáng 14/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Chủ tịch nước Lương Cường chúc Tết, tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Ông Hầu A Lềnh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long 

Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa

Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… Thời gian thực hiện Chương trình trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035) và được chia làm 3 giai đoạn.

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Đồng thời, có 7 mục tiêu tổng quát, gồm: Một là, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Hai là, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc. Ba là, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bốn là, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế - xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Năm là, vây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao. Sáu là, phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Bảy là, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Ảnh: Hồ Long 

Chương trình cần được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm

Báo cáo thẩm tra Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày nêu rõ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình. Theo đó, việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cơ bản nhất trí với đề xuất về quy mô, phạm vi, địa điểm thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng phạm vi, quy mô của Chương trình còn rộng, dàn trải. Do đó, đề nghị cần xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm trong từng thời kỳ dựa trên điều kiện thực tiễn ở địa phương và kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước, một số loại hình công trình văn hóa đặc thù không nên phân bổ đều ở tất cả các địa phương.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình; cho rằng, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ đầu tư khác của Nhà nước cho hoạt động phát triển văn hoá. Do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa.

Tán thành với việc Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia, song Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị, cần xác định cụ thể các quốc gia, bởi đây là cơ sở quan trọng để xác định quy mô, phạm vi thực hiện Chương trình.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là Chương trình quan trọng góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, việc thực hiện Chương trình sẽ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chỉ ra nhiều nội dung cụ thể, chi tiết nội dung của Chương trình.

Về quy trình xin ý kiến Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, trước mắt, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tích cực, quyết tâm chuẩn bị, tùy thuộc vào quá trình thảo luận của đại biểu Quốc hội sẽ quyết định thông qua tại một kỳ họp hay hai kỳ họp. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Chương trình cần thể hiện rõ hơn một số nội dung, như: về công nghiệp văn hóa; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, các đột phá, điểm nhấn của Chương trình; việc xây dựng trung tâm văn hóa tại một số quốc gia…