'Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân'

(Mặt trận) - Ngày 21/9, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có bài viết: "Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát", Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Tổ chức trọng thể Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết

Chủ tịch nước Lương Cường: Toàn quân thực hiện nghiêm đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân bão số 3. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sảnđối với nhiều địa phương Bắc Bộ, nhưng ngay trong những thời khắc khó khăn nhất luôn có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, qua đó góp phần giảm đến mức tối đa thiệt hại; đồng thời cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, các ngành, các địa phương để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh và bền vững ở vùng bị thiên tai nói riêng và cả nước nói chung.

1. Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và mạnh nhất trên đất liền ở nước ta trong khoảng 70 năm qua, có cường độ rất cao, tốc độ rất lớn, phạm vi rộng, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17,thời gian kéo dài, sức tàn phá mạnh và tác động, ảnh hưởng rất nặng nề trên phạm vi rất rộng ở hầu hết các địa phương Bắc Bộ; trong đó có 2 vấn đề phức tạp, khó dự báo là thời gian bão kéo dài trong đất liền và hoàn lưu bão có mưa rất lớn. Lượng mưa lớn trong cơn bão và hoàn lưu sau bão đã gây ra tình trạng ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều địa bàn miền núi và lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ[1], dẫn đến thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH), các hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngành, các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp tại các địa phương bị ảnh hưởng.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ Chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão. Ngày 09/9/2024, trong lúc đang mưa lũ do hoàn lưu bão, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó với bão lũ. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có Thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại một số địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, tập trung ứng phó bão, mưa lũ từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở với phương châm phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó hiệu quả ở mức cao nhất, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ và kịp thời động viên, thăm hỏi người dân và các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, nhất là các gia đình, địa phương có mất mát về người để giảm thiểu thiệt hại ít nhất có thể. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Huy động gần 700 nghìn người và gần 9 nghìn phương tiện ứng phó với bão, mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân[2]. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương[3]. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra; đến ngày 21/9/2024 đã huy động được tổng số tiền trên 1.646 tỷ đồng.

2. Mặc dù sự chủ động, tích cực vào cuộc từ sớm, từ xa, từ cơ sở và sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần rất quan trọng giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của bão lũ, nhưng thiệt hại vẫn còn rất lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng, nặng nề, làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng nghìn người bị thương; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; hàng trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, tàu thuyền bị hư hỏng, cuốn trôi; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết; gây mất điện, mất liên lạc trên diện rộng ở một số địa phương; hàng trăm sự cố đê điều, tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ; nhất là những tổn hại về tinh thần của người dân và sự đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp được của những người thân, gia đình có người đã mất, người bị thương do bão lũ gây ra[4].

Trước những tổn thất, mất mát to lớn của đồng bào ở những vùng bị thiệt hại, chúng ta vô cùng tiếc thương, thấu hiểu, chia sẻ với những giọt nước mắt, những nỗi đau buồn khôn nguôi của những gia đình đã không may mất đi những người thân yêu. Đi bất cứ nơi đâu trong vùng bị ảnh hưởng của bão lũ, chúng ta đều cảm thấy xót xa, đau đớn khi tận mắt chứng kiến những ngôi làng, mái nhà, đồng ruộng, vườn cây, ao cá, lồng bè, tài sản của đồng bào bị lũ lụt tàn phá. Chúng ta không bao giờ quên những tấm gương dũng cảm, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là những cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để ứng cứu đồng bào, tìm kiếm, cứu nạn trong bão lũ, trong đó có những đồng chí đã anh dũng hy sinh, thể hiện bản chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", của người chiến sỹ Công an nhân dân "vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Chúng ta xúc động và cảm phục về sự chủ động, tích cực, đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó của người dân trong vùng bão lũ, đặc biệt là những tấm gương nhanh trí, sáng tạo, dũng cảm thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, như kịp thời đưa người dân trong thôn, bản tránh khỏi lũ quét, cứu tàu thuyền trôi tự do trên sông lớn chảy xiết. Những "chuyến xe nghĩa tình", những tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống tốt đẹp yêu nước, thương nòi của dân tộc ta. Chúng ta cũng luôn ghi nhớ sự chia sẻ, giúp đỡ quý báu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và sự hỗ trợ kịp thời của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế. Từ thực tiễn công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ, chúng ta càng củng cố, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta, nhất là sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp, các ngành, các địa phương và tình cảm gắn kết bền chặt của đồng bào, chiến sĩ trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Trong điều kiện còn nhiều hạn chế, bất cập, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống thiên tai, bão lũ, chúng ta càng nhận thấy rõ những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của đất nước được phát huy mạnh mẽ, trong đó nổi bật là "Sáu điểm tựa Việt Nam" gồm: (1) Điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công", như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn; (2) Điểm tựa Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo; gần 95 năm qua Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; (3) Điểm tựa truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, với tinh thần tương thân, tương ái "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách ítđùm lá rách nhiều", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"; (4) Điểm tựa Nhân dân, Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong"; (5) Điểm tựa Quân đội và Công an; "khi cần, khi khó có Quân đội, Công an", "Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu", "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ"; (6) Điểm tựa tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".

3. Để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 3, các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng và đồng bào, chiến sĩ cả nước cần tiếp tục tập trung quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là tập trung thực hiện hiệu quả 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân; hỗ trợ ổn định cuộc sống Nhân dân; phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.

Trong đó, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt là đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng ở cơ sở. Tập trung tìm kiếm người mất tích; kịp thời cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ hậu sự cho người đã mất; kiểm tra, tiếp cận bằng được những nơi còn bị chia cắt nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân. Cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, chỗ ở cho những người dân bị mất nhà ở; rà soát, thực hiện việc tái định cư cho các hộ gia đình bị mất nhà ở, bảo đảm hoàn thành sớm nhất có thể, trước ngày 31/12/2024 với điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; khẩn trương đưa học sinh tới trường và đưa các bệnh viện, cơ sở y tế vào hoạt động ngay trong tháng 9/2024. Sớm khôi phục, bảo đảm các hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, sóng điện thoại, cung cấp điện, nước sạch, các dịch vụ xã hội cơ bản thông suốt. Rà soát, có biện pháp hỗ trợ phù hợp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, sinh kế của người dân trong tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn và bảo đảm trật tự xã hội trên địa bàn. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê đầy đủ thiệt hại để kịp thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sử dụng dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách trung ương và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ theo quy định pháp luật.

4. Cùng với việc sớm ổn định đời sống nhân dân, chúng ta cần tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ này mới có thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của đời sống, sinh kế của người dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; đồng thời mới tạo ra được nền tảng vững chắc cho phát triển KTXH của từng địa phương, từng vùng và cả nước.

Về khôi phục sản xuất kinh doanh, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Khẩn trương thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; thực hiện kịp thời việc tạm ứng, chi trả quyền lợi bảo hiểm; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi. Thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ như: cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay… cho các khách hàng bị thiệt hại; bổ sung nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ. Tập trung khôi phục ngay năng lực sản xuất nông nghiệp; nhân cơ hội này cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn; kịp thời hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết. Sớm đưa các khu công nghiệp, các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng trở lại hoạt động bình thường; khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistics và kho bãi bị hư hỏng, không để gián đoạn chuỗi cung ứng. Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để sớm sửa chữa, xây dựng lại công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai phục vụ kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh; áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư khẩn cấp đối với các công trình, dự án phòng, chống bão lũ. Các địa phương chủ động, tích cực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cơ sở, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, cơ quan trung ương để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ theo tinh thần Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.

Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, cần xác định rõ đây là một trong những nội dung trọng tâm, nhất quán, xuyên suốt và quan trọng nhất trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, xanh và bền vững, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Từ nay đến cuối năm 2024 và trong năm 2025, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình thị trường, giá cả; bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng, ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống và sản xuất kinh doanh; tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm; tiếp tục nghiên cứu tái cấu trúc chuỗi cung ứng năng lượng theo hướng xanh, bền vững và phù hợp với điều kiện tự nhiên của đất nước và nhu cầu của Nhân dân; trong ngắn hạn và trung hạn phải tập trung bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu, điện phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường tiếp cận tín dụng và tiết giảm chi phí, tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Thực hiện hiệu quả chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế, phí, lệ phí…; tăng cường tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho an sinh xã hội, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và đầu tư phát triển. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế. Chú trọng nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, bất cập của các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số địa phương và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị; qua đó góp phần giải phóng nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (như phát triển đô thị, kinh tế vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…); trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế số và chuyển đổi xanh, coi đây là yêu cầu tất yếu khách quan của hội nhập, toàn cầu hoá và cũng là cơ hội thuận lợi để đưa đất nước tiến cùng thời đại, thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình". Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân để thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc gắn với chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy mạnh thị trường trong nước, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và thúc đẩy tích cực hơn nữa trong đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước Trung Đông, Châu Phi, thị trường sản phẩm Halal…

Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, tạo chuyển biến về chất trong thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; trong đó xác định rõ thể chế là "đột phá của đột phá" vì vừa là nguồn lực, vừa là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế theo hướng không chỉ tập trung cho quản lý nhà nước mà còn tập trung cho mở rộng không gian, kiến tạo phát triển; có cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo đột phá trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Tập trung đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, không ngừng cải thiện vị thế của Việt Nam trong bản đồ kinh tế khu vực, toàn cầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tiếp tục đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo vệ toàn diện môi trường; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phục vụ và thúc đẩy phát triển KTXH; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

5. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thời gian tới, tình hình thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường với tần suất và cường độ ngày càng lớn, tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề. Trong bối cảnh đó, công tác phòng chống bão lũ nói riêng và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nói chung cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc quan điểm xuyên suốt đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết và không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau trong phòng, chống thiên tai cũng như trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội. Xác định rõ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội; phát huy cao nhất sự chủ động, tích cực, tinh thần tự lực, tự cường của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân ở cơ sở; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bảo đảm tính khoa học, hợp lý và phù hợp với tình hình thực tiễn; kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại; chú trọng cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính; chuyển hướng quản lý, phòng ngừa rủi ro theo lưu vực, liên vùng, liên ngành. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; sử dụng phương pháp tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050[5], các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng thủ dân sự, Chiến lược, Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, kịch bản phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của cả nước, từng vùng, từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" tại cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương theo từng thời kỳ. Tập trung hướng dẫn, nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý, ứng phó với thiên tai, nhất là ở cấp cơ sở và các địa bàn có nguy cơ cao; tập trung rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế tổ chức vận hành, phối hợp trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, tiên tiến, công nghệ hiện đại; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để sử dụng hiệu quả Quỹ phòng chống thiên tai. Khẩn trương hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã, thôn bản. Tập trung bố trí sắp xếp, di dời người dân vùng có nguy cơ cao gắn với tạo việc làm, sinh kế bền vững tại nơi ở mới, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Rà soát quy hoạch, xây dựng các công trình bảo đảm phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, nhất là những mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến để nhân rộng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước, tổ chức quốc tế, đối tác bên ngoài, nhất là về đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, mô hình quản trị, điều hành tiên tiến, góp phần đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai trong giai đoạn mới.

*

* *

Cơn bão số 3 qua đi nhưng vẫn còn đó những hậu quả, tổn thất nặng nề cả tinh thần và vật chất đối với nhiều người dân, gia đình, bản làng, cộng đồng, địa phương và cả nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên", dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, chúng ta hãy phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, kề vai, sát cánh vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho người dân vùng bị bão lũ trong thời gian sớm nhất; đồng thời tiếp tục nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.

Phạm Minh Chính

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ


[1] Mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc lên đến 400-600 mm, một số nơi trên 700 mm đã gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ, đặc biệt lũ sông Hồng tại Yên Bái đã vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,3 mét. Mưa lớn hoàn lưu sau bão gây ra tình trạng ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Cao Bằng (Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên, Thành phố Yên Bái), Hoà Bình (Đà Bắc)…

[2] Các cơ quan, lực lượng chức năng đã hướng dẫn trên 51 nghìn tàu cá và 220 nghìn người, phương tiện, tàu vận tải hoạt động trên biển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; tổ chức sơ tán 53 nghìn người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nhà yếu; sơ tán, di dời trên 74,5 nghìn hộ và trên 130 nghìn người tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.

[3] Đến ngày 21/9/2024, Trung ương đã hỗ trợ 350 tỷ đồng, 432 tấn gạo, 19 tấn hoá chất khử khuẩn môi trường Chloramin B, 03 triệu viên khử khuẩn nước Aquatabs; hiện nay các địa phương đang tổng hợp, thống kê số thiệt hại để đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ.

[4] Theo thống kê sơ bộ bước đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã tác động nặng nề, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm 337 người chết và mất tích, 1.929 người bị thương; hư hỏng 238 nghìn ngôi nhà; trên 195 nghìn héc-ta lúa, 47 nghìn héc-ta hoa màu, 36 nghìn héc-ta cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; trên 4,7 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 3,2 triệu gia súc, gia cầm bị chết; đồng thời gây mất điện, mất liên lạc trên diện rộng ở một số địa phương, xảy ra 766sự cố đê điều, tình trạng sạt lở, ngập lụt, chia cắt giao thông cục bộ. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu khoảng 61 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GDP nhiều địa phương chậm lại, dẫn đến GDP cả nước trong năm 2024 có thể giảm 0,15% so với kịch bản đề ra.

[5] Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Phấn đấu đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP …