Năm học mới bắt đầu, phụ huynh, giáo viên và học sinh lại đương đầu với hàng loạt vấn đề, bức xúc tồn tại từ nhiều năm trước…
Hầu hết các gia đình, trường học đều đã sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới diễn ra sáng 5/9. Một năm học mới sắp bắt đầu nhưng không phải tất cả trẻ em đều có chung niềm vui trong ngày khai giảng. Mưa lũ những ngày qua đã khiến nhiều trường học, nhiều em học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc không có ngày khai giảng đủ đầy ý nghĩa. Nhiều em không có sách vở, quần áo, trường lớp, thậm chí ăn không đủ no… Thật cảm động khi đọc chia sẻ của một giáo viên “Mường Lát chúng tôi mưa lũ to quá. Nơi khác các đồng nghiệp có an toàn không? Ở đây, rất nhiều đồng nghiệp của chúng ta không còn nhà để mà về nữa. Mong mọi người bình an!”.
Nhiều trường tiểu học đang quá tải học sinh
Khai giảng năm học mới không có nghĩa là mọi việc chuẩn bị cho năm học đã sẵn sàng. Bởi thực tế, sau ngày 5/9 nhiều em vẫn chưa thể đi học vì trường lớp bị ngập lụt, lũ cuốn trôi… Còn ở thành phố, nhiều nơi quá tải học sinh, không đủ lớp học nên sau lễ khai giảng nhiều em phải trở về nhà đợi đến ca mình học. Hiện tại, nhiều nơi các em đang phải chịu cảnh lớp học có sĩ số 60- 70 cháu, nhiều trường không đủ phòng học, phải học tăng ca hoặc mượn địa điểm để dạy học.
Vài năm trở lại đây, lễ khai giảng năm học mới đã được nhiều địa phương, nhiều trường tổ chức theo phương châm ngắn gọn, trang trọng… nhưng cũng vẫn có nơi lễ khai giảng còn rườm rà, dài dòng, kết hợp nhiều đầu việc trong ngày khai giảng gây ấn tượng xấu với phụ huynh, còn các con thì mệt mỏi, sợ ngày khai giảng, đặc biệt là các cháu học sinh tiểu học.
Các phụ huynh, thầy cô giáo ở những vùng miền khó khăn, đang chịu thiên tai bão lũ đang gánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền, cơ sở vật chất… để các con kịp học chương trình. Còn ở thành phố, nhiều bậc phụ huynh lại căng mình với những bức xúc về lạm thu, về sự lãng phí không cần thiết trong trường học. Dễ thấy nhất là việc sách giáo khoa năm nào cũng phải mua mới, chị em trong nhà không thể cho nhau sách để học.
Cải cách giáo dục đang gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Như thời chúng tôi, thế hệ 7x, 8x, anh chị em trong một gia đình chỉ cần 1 bộ sách giáo khoa là đủ. Bố mẹ tôi sinh 5 người con. 5 chị em chúng tôi dùng chung toàn bộ sách giáo khoa. Năm học mới, mẹ chỉ mua giấy thếp về để tự đóng vở, bút mực; còn lại giấy kiểm tra, thước kẻ thì tự làm… Còn bây giờ, tôi sinh 2 đứa con, cách nhau 2 tuổi mà sách của cháu học trước không thể dùng cho cháu học sau. Tôi tiếc nuối gom những cuốn sách được các con bọc kỹ càng, bìa còn tươi mới muốn đem đi để tặng các em nhỏ khó khăn khác nhưng không thể dùng lại được. Bởi sách chỉ dùng được một lần, con đã viết vào đó lời giải như một cuốn vở. Năm nào tôi cũng phải chi hơn 100.000 đồng đến 200.000 đồng để mua sách giáo khoa cho con, cuối năm lại vứt thành giấy vụn. Sống ở thành phố số tiền này có thể là rất nhỏ nhưng với những gia đình ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa thì lại là một khoản phải lo.
Hay như việc lắp điều hoà cho các con cũng là một đề tài khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Rõ ràng, chất lượng các sản phẩm điện tử, điện lạnh ngày một nâng cao, thế nhưng hầu như năm học nào cũng có khoản thu để lắp điều hoà, đặc biệt là các học sinh đầu cấp. Trong khi hầu hết các khoá học sinh ra trường đều để lại điều hoà tặng các em học sinh khoá sau, vậy lý do gì mà năm nào phụ huynh cũng phải đóng tiền lắp điều hoà?
Dù ngành giáo dục đã mạnh tay với lạm thu, cấm các khoản thu ngoài qui định nhưng vẫn còn những trường học tìm mọi cách để phụ huynh phải đóng các khoản “tự nguyện”. Năm học mới sắp bắt đầu, phụ huynh, giáo viên và học sinh lại bộn bề những băn khoăn, trăn trở và cả những bức xúc của nhiều năm học trước vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo An Nhi/VOV.VN