Khai mạc Hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ hai

(Mặt trận) - Sáng 7/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đã khai mạc tại Nhà Quốc hội. Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Lâm Hiển 

Nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, giải trình thấu đáo hơn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 4 Kỳ họp, ban hành 8 Luật, cho ý kiến 6 dự án Luật khác, ban hành 62 Nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao. Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học…; trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng.

Kỳ họp thứ Tư sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ ngày 15-18.8.2022). Để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để các ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào từng dự án. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển 

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 6 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nhấn mạnh một số nội dung cơ bản xin ý kiến các ĐBQH như:

Thứ nhất, về các dự án Luật đã được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, đa số ý kiến ĐBQH đã thể hiện sự tán thành cao về sự cần thiết ban hành và nhất trí với nhiều nội dung chính của các dự thảo luật. Sau Kỳ họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH; tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện dự thảo Luật. Đến nay, các nội dung đã cơ bản được thống nhất, chỉ còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung cho ý kiến về một số nội dung.

Về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, quan điểm của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là mục tiêu và động lực để khơi dậy sức mạnh, nguồn lực Nhân dân trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân. Đến nay, còn một số vấn đề đề nghị ĐBQH tiếp tục quan tâm, thể hiện rõ chính kiến, quan điểm. Một là, điều chỉnh việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Hai là, việc cụ thể hóa phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Ba là, cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đây là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định luật này có thực sự đi vào cuộc sống và phát huy được dân chủ cơ sở hay không.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Việc Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật là nhằm góp phần thể chế chủ trương nêu trên của Đảng. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục thảo luận, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề: Một là, quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng. Hai là, phương thức cấp phép; cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, làm rõ vì sao từ khi Luật có hiệu lực đã gần 12 năm vẫn không thực hiện được việc đấu giá, thi tuyển để cấp phép. Ba là, quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế - nội dung này đang còn khác nhau về quan điểm, cần được làm rõ nội hàm của chính sách này là gì và đánh giá tác động liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng băng tần, kể cả về khía cạnh công nghệ kỹ thuật để đảm bảo tính khả thi…

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án luật này có tác động rất lớn đến ngành y tế và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, không chỉ trong ngành y tế mà còn của cử tri, Nhân dân cả nước; việc xây dựng các quy định đòi hỏi sự thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã rõ, có tính khả thi, không nóng vội, không vì lộ trình mà phải thông qua trong khi thực tiễn chưa giải quyết được, cần tiếp tục thể chế hóa các Nghị quyết số 19, 20 của Trung ương Đảng về “Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập”, “lấy người bệnh làm trung tâm”, “y tế cơ sở là nền tảng”. Với yêu cầu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH tập trung thảo luận các nhóm vấn đề: Một là, về phạm vi điều chỉnh. Hai là, về bố cục của dự thảo Luật. Ba là, về thẩm quyền và điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (chứng chỉ đào tạo, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong khám chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam,…). Bốn là, hệ thống tổ chức cơ sở khám, chữa bệnh; cách thức chuyển tuyến, kết nối các tuyến khám, chữa bệnh; việc phân cấp đối với cơ sở y tế tư nhân. Năm là, cơ chế tài chính, giá dịch vụ; xã hội hóa, tự chủ trong khám, chữa bệnh. Sáu là, quy định chuyên môn kỹ thuật; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; y học gia đình;...

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự án Luật này có nội dung rất rộng, ảnh hưởng đến toàn xã hội, đến từng gia đình - “tế bào” của xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền con người ngay từ gia đình, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Tuy nhiên, rất khó để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, tính khả thi, hiệu quả của các biện pháp phòng, chống, mức độ xử lý, làm sao để không gây tác dụng ngược đối với nạn nhân. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, làm rõ: Một là, nhận diện các hành vi bạo lực gia đình; việc mở rộng với một số nhóm đối tượng không còn trong quan hệ hôn nhân, gia đình. Hai là, về tư vấn, hòa giải và xử lý tin báo, tố giác vụ việc; bảo vệ, hỗ trợ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Ba là, cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình và xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Bốn là, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án. Năm là, biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” - đây là điểm nhấn của lần sửa đổi này; mới được bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, mang tính chất tự quản tại cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng và do cộng đồng quyết định.

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), dự án Luật này liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động thanh tra trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị ĐBQH cho ý kiến vào các nội dung: Một là, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính; giải pháp đảm bảo tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra. Hai là, việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tại cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ba là, tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra tại một số sở và thẩm quyền thành lập Thanh tra sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bốn là, quy trình thanh tra, cơ chế phối hợp, xử lý để tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, kiểm toán…

Phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQH chuyên trách

Ảnh: Lâm Hiển 

Thứ hai, về 1 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư theo quy trình một kỳ họp:

Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự luật khó, phức tạp, nội dung sửa đổi nhiều, nhưng dự kiến được xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên cơ sở bảo đảm phù hợp với bối cảnh, điều kiện của Việt Nam, bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF).

Với tinh thần thận trọng, cầu thị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận về: Một là, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 01 kỳ họp. Hai là, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết, điều ước quốc tế; tính khả thi khi triển khai thực hiện. Ba là, các quy định về đối tượng báo cáo; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; báo cáo giao dịch đáng ngờ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền…

Về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, việc tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp - hình thức hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của Quốc hội - là nhân tố quan trọng đóng góp vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Thực hiện Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kết luận của Đảng đoàn Quốc hội về Đề án tiếp tục đổi mới kỳ họp Quốc hội, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được xây dựng nhằm quy tắc hóa những cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm; bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội; phân định rõ thẩm quyền, đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia kỳ họp Quốc hội, tạo thuận lợi cho ĐBQH thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Với mục tiêu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH, nhất là những đại biểu có kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại Quốc hội, tập trung cho ý kiến về: Một là, quyền tranh luận của ĐBQH; nguyên tắc, tiêu chí tranh luận trong hoạt động chất vấn. Hai là, tiêu chí, điều kiện để Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp được linh hoạt điều chỉnh, rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH, mời ĐBQH phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đã đăng ký. Ba là, thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; nội dung, quy trình, thủ tục xây dựng Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội…

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của ĐBQH chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật; đồng thời, việc tổ chức Hội nghị cũng phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Do thời gian tổ chức Hội nghị không dài, chỉ có 2 ngày để cho ý kiến về 6 dự án Luật và 1 dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, tham gia đầy đủ các phiên họp, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo. Các ý kiến của các ĐBQH chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tư.