Khắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân

(Mặt trận) - Làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh các giải pháp để bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống người lao động, khắc phục đứt gãy thị trường lao động, tạo việc làm ổn định cho công nhân… trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Đặc biệt, Thủ tướng nêu các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, bố trí quỹ đất, huy động các nguồn lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều ngày 16/10,  Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt  Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn

 Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang báo cáo kết quả phối hợp năm 2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn tập trung vào việc chỉ đạo thực hiện nhiều nội nội dung quan trọng.

Trong đó, Công đoàn đã đồng hành với Chính phủ và doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; chăm lo, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; phối hợp trong công tác chăm lo đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán; Công đoàn và Chính phủ cũng phối hợp tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến công nhân, lao động và tổ chức công đoàn; phối hợp tổ chức các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động và phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn khởi xướng...

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tập trung thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào năm 2020 như về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 và việc tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ 1/7 hàng năm; Về việc triển khai thực hiện Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất; Về đề nghị khi phê duyệt kế hoạch, đề án, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; Về bổ sung nghề nặng nhọc đối với giáo viên bậc học mầm non và giáo viên dạy bộ môn giáo dục thể chất và các ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà các cơ quan chức năng đề xuất; Về hỗ trợ đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố một số vấn đề như: tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động; có chính sách nhà ở cho công nhân, lao động; về thực hiện quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non...

Tại Hội nghị, đại biểu tham dự cũng tập trung thảo luận về các vấn đề đang đặt ra liên quan tới đời sống công nhân, người lao động như khắc phục đứt gãy thị trường lao động; giải quyết nhà ở cho công nhân; xây dựng các trường mầm non phục vụ con em công nhân; hỗ trợ sóng và máy tính cho con em công nhân, lao động gặp khó khăn học tập trực tuyến… Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, cần sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, có thu nhập, ổn định cuộc sống; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hải

Đồng quan điểm với ý kiến thảo luận của đại biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh tới sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn khi là một trong 48 tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam; đồng thời nhắc tới những đóng góp quan trọng của các cấp công đoàn khi hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Đặc biệt là việc hưởng ứng tích cực chương trình “Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào Miền Nam vượt qua đại dịch Covid -19”, tính đến ngày 14/10/2021, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.860.048 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh tới tận tay người lao động, người gặp hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch. Như vậy, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 14/10/2021, Trung ương các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, Quỹ Vắc xin phòng Covid-19, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng và cũng được phân bổ kịp thời để mua vaccine phòng COVID-19, tới các cơ sở cách ly, nơi tuyến đầu chống dịch,...

"Trước tình hình lao động trở về quê trong thời gian qua, Tổng Liên đoàn cần phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo liên đoàn lao động các cấp, công đoàn các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động sớm quay trở lại khu công nghiệp tiếp tục làm việc và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất", Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nói.

Biểu dương, đánh giá cao và thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông sâu sắc

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm tại Hội nghị với yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người lao động và công nhân trong thời điểm khó khăn này. Các ý kiến đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động trong bối cảnh đặc biệt từ đầu năm tới nay. Những kết quả phối hợp đã góp phần giúp mỗi bên hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần vào thành tựu, kết quả chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong phát triển kinh tế - xã hội và nhất là phòng chống dịch bệnh những tháng vừa qua.

Hai bên có nhiều hoạt động thiết thực trong phối hợp phòng chống dịch bệnh COVID-19, lắng nghe ý kiến người lao động và doanh nghiệp để đưa ra các chính sách phù hợp, kịp thời ban hành nhiều gói hỗ trợ, chăm lo đời sống, giảm bớt khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Làm tốt công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động chấp hành, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo các quy định của Chính phủ và địa phương. Các tổ chức công đoàn phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, động viên người lao động bám trụ làm việc, phát động các phong trào thi đua khơi dậy tinh thần sáng tạo và đồng cam cộng khổ vượt qua đại dịch, phục hồi sản xuất.

Đội ngũ cán bộ công đoàn và đoàn viên các cấp, cùng cán bộ chính quyền, đoàn thể tại cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” để hỗ trợ người lao động và tham gia giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ; làm tốt công tác vận động công chức, viên chức, công nhân lao động đóng góp ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống COVID - 19, ủng hộ Chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19”…

Nhiều mô hình sáng tạo phát huy hiệu quả, được chính quyền, người lao động, người sử dụng lao động đánh giá cao như: Siêu thị 0 đồng, xe buýt siêu thị 0 đồng, túi an sinh, túi thuốc cho F0, suất cơm nghĩa tình, vùng xanh doanh nghiệp, đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà; đường dây nóng “An sinh công đoàn”; đi chợ hộ đoàn viên; đội an toàn COVID -19 ...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá rất cao những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những mất mát, hy sinh, những khó khăn, thách thức của giai cấp công nhân, người lao động, các cấp công đoàn trong thời gian vừa qua.

“Rất nhiều cán bộ công đoàn ngày đêm lăn lộn, hết mình vì người lao động và doanh nghiệp, bất chấp hiểm nguy, không ít anh chị em thực sự trở thành lực lượng tuyến đầu chống dịch”, Thủ tướng chia sẻ.

Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương quan tâm lắng nghe, tiếp thu và chỉ đạo xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tổ chức công đoàn và người lao động một cách thấu đáo.

“Công tác phối hợp chặt chẽ, không câu nệ, giảm thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện hiệu quả. Qua khó khăn, thách thức, vai trò, tầm quan trọng của Tổng Liên đoàn, công đoàn các cấp càng được khẳng định, vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị càng được nâng cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động

Về trọng tâm công tác phối hợp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị, trước hết hai bên cần phối hợp trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và phối hợp theo quy chế, góp phần nâng cao vị thế, vai trò mỗi bên, góp phần bảo vệ, tăng cường lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động gắn với xây dựng giai cấp công nhân hiện đại.

Trước mắt, phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa mau chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng nêu rõ, kiểm soát được dịch bệnh thì mới có thể khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ngược lại, có khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thì mới có nguồn lực chống dịch và bảo đảm các nhu cầu khác của đất nước. Chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời cũng không mất bình tĩnh, hoảng hốt, hoang mang, lo sợ, trong quá trình phối hợp phải quán triệt tinh thần này. “Không ai an toàn nếu người khác còn mắc bệnh, không địa phương, cơ quan, đơn vị nào an toàn nếu cơ quan, địa phương, đơn vị khác còn phải chống dịch”, Thủ tướng phát biểu.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sớm đưa người lao động trở lại doanh nghiệp sản xuất an toàn, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp cụ thể như bảo đảm phúc lợi, an sinh xã hội, bảo vệ, nâng cao lợi ích (cả vật chất và tinh thần) chính đáng và hợp pháp của người lao động; xây dựng chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động và công nhân, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh để tạo công ăn việc làm ổn định… Thủ tướng đã giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cơ quan khác triển khai cụ thể các nhiệm vụ này.

Thủ tướng đề nghị  tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế… Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng Liên đoàn tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động...

Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí… Phối hợp, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong đó, về vấn đề nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn cho công tác này. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.

Liên quan tới đời sống công nhân, Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân. Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.

Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.