Kê khai tài sản: Bao giờ mới hết hình thức?

Việc kê khai tài sản chưa thực sự phát huy được tác dụng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng chỉ bởi còn mang nặng tính hình thức.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Việc kê khai tài sản của cán bộ Đảng viên đã được thực hiện hơn 20 năm qua. Mẫu số chung của các năm là 100% người kê khai đúng thời hạn, đúng yêu cầu, đúng mẫu, nộp vào sổ và báo cáo đầy đủ. Không có, hoặc có rất ít trường hợp bất thường, không trung thực phải xác minh lại.
Ảnh minh họa.

Thử nêu con số so sánh, mỗi năm có hơn 1 triệu người phải kê khai tài sản nhưng chỉ có gần 4.900 trường hợp phải xác minh. Trong đó, 17 người bị xử lý kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực. 70 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Liệu kết quả ấy đã đúng với thực tế hay chưa? Vì sao kê khai tài sản gần như chẳng có gì nhưng khi tham nhũng bị phát hiện thì tiền đâu, ngoại tệ đâu mà lắm thế, mà nhiều thế? Vì sao ai cũng chỉ thu nhập bằng lương thôi nhưng tài khoản của những người “ăn theo” là vợ, là chồng, là con lại có đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng chưa kể đất đai, nhà cửa và các loại tài sản khác?

Thực tế ấy được đúc rút bằng nhận định của Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi bàn về việc kê khai tài sản rằng: “Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo”.

Rõ ràng, con số gần 100% cán bộ, Đảng viên kê khai tài sản, thu nhập chỉ là hình thức. Rõ ràng, trong việc kê khai này có chuyện không trung thực, có chuyện tẩu tán tài sản, có chuyện xuê xoa, dễ dãi, thậm chí là bao che cho nhau để có một con số đẹp, hồ sơ đẹp.

Và rõ ràng, kê khai tài sản, thu nhập trên thực tế chưa thực sự là một biện phá phữu hiệu trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức tại Việt Nam, chưa là biện pháp hữu hiệu, chưa mang tính phòng ngừa, răn đe khi chế tài xử phạt trong kê khai tài sản còn quá nhẹ, chỉ loanh quanh rút kinh nghiệm, khiển trách, cùng lắm là cảnh cáo.

Khi thiếu cơ chế, biện pháp hiệu quả để phát hiện, xác minh biến động về tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ nhiều quyền hạn; Khi pháp luật về phòng, chống tham nhũng cũng chưa quy định về xử lý tài sản không minh bạch, nhất là qua việc xác minh tài sản, thu nhập mà đối tượng kê khai không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.... thì việc kê khai tài sản chỉ là hình thức

Theo dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà Thanh tra Chính phủ đưa ra lấy ý kiến, tới đây, sẽ tăng biện pháp kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. 

Lập các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tại các Bộ, nghành, địa phương. Tăng nặng chế tài xử lý hành vi không trung thực hoặc cản trở, chống đối cơ quan có thẩm quyền, tẩu tán tài sản. Đặc biệt là bổ sung chế tài buộc thôi việc đối với người chậm kê khai tài sản, thu nhập quá 45 ngày không có lý do chính đáng.

Nếu được ban hành, Nghị định này sẽ góp thêm hiệu quả cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là trong thời điểm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang được thực hiện.

Kê khai tài sản, thu nhập một cách thực chất mới chống tham nhũng hiệu quả và là giải pháp tốt để ngăn ngừa loại bỏ ra khỏi bộ máy, hệ thống chính trị những Đảng viên, cán bộ, công chức không đủ tiêu chuẩn, tiêu cực, tham nhũng và lãng phí.