Họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước

(Mặt trận) - Sáng 31/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

 Quang cảnh cuộc họp

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ chủ trì buổi họp báo; đại diện một số bộ, ngành liên quan tham dự.

Chính sách nghiêm minh, dân chủ, đúng đối tượng và đúng điều kiện

Phát biểu và công bố Quyết định đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá, tha tù cho phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có điều kiện được đặc xá theo quy định của pháp luật.

Đăc xá năm 2021 một lần nữa tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước Việt Nam và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện, trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước.

Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 20218 và các văn bản pháp luật có liên quan. Quá trình xét quyết định đặc xá cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đều được thực hiện chặt chẽ, công khai, công bằng, chính xác và bảo đảm dân chủ theo quy định của pháp luật. “Tuy nhiên, khác với các lần đặc xá trước, quyết định về đặc xá lần này đã có những quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được đề nghị đặc xá và các trường hợp không đề nghị đặc xá. Do đó, số phạm nhân được đặc xá lần này cũng ít hơn so với các lần đặc xá trước”, ông Phạm Thanh Hà cho biết.

Theo đó, để thực hiện công tác đặc xá, Chủ tịch nước đã ký quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn đặc xá do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, Bộ Công an là cơ quan Thường trực của Hội đồng; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021, thay mặt Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan xét duyệt hồ sơ, danh sách phạm nhân được đề nghị đặc xá, trong đó có các trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 22, Điều 23 Luật Đặc xá năm 2018 và Điều 5 Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 để trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tháng 7/2021, Hội đồng Tư vấn đặc xá đã có hướng dẫn về việc triển khai thực hiện Quyết định 1161/2021/QĐ-CTN. Sau đó, Bộ Công an tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác đặc xá từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, các cấp, ngành, địa phương đều có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Trong quá trình xét đặc xá, cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá đã tổ chức các đoàn công tác đến các trại giam, trại tạm giam, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo việc xét đặc xá theo đúng quy định pháp luật. Theo kế hoạch tuyên truyền về công tác đặc xá năm 2021, các cơ quan thông tin đại chúng đã đưa tin kịp thời, tuyên truyền, giải thích về chủ trương đặc xá của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện cho mọi công dân và những người quan tâm hiểu rõ về chính sách khoan hồng, truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

“Khi xem xét đặc xá phải tuân thủ theo nguyên tắc bảo đảm nghiêm minh, chặt chẽ, công khai, dân chủ, đúng đối tượng và đúng điều kiện đã được quy định để tất cả các phạm nhân có đủ điều kiện đều được xem xét, không để bất kỳ phạm nhân nào không đủ điều kiện theo quy định lại được xem xét đặc xá”, ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người có hành vi vi phạm, phạm tội là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng. Chính vì vậy, hình phạt bằng pháp luật hình sự của Nhà nước áp dụng không chỉ nhằm trừng trị những người có hành vi phạm tội mà còn nhằm cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và quy tắc xử sự của cuộc sống. Mặt khác, đặc xá còn thể hiện truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc Việt Nam, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước và tính ưu việt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù đã thực sự cải tạo tốt.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước khẳng định, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tất cả các phạm nhân được đặc xá lần này đều là những người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam và đã bị tòa án nhân dân các cấp của Việt Nam tuyên phạt theo các chế tài được quy định tại Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam. Việc đặc xá không phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào, cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay người có quốc tịch nước ngoài, nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xét đặc xá.

Việc Đảng, Nhà nước đặc xá cho những phạm nhân là chính sách nhân đạo, không chỉ dừng lại ở việc đặc xá, tha tù trước thời hạn mà còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp, chính sách để tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá, tha tù trở về nơi cư trú, gồm cả những phạm nhân được đặc xá và phạm nhân hết hạn tù, sớm hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, các trạm giam, trại tạm giam đã tổ chức nhiều lớp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho số phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2021; tổ chức học nghề, học tập về kiến thức xã hội, pháp luật, kỹ năng tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân. Các cấp ủy và chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, cấp không được phân biệt đối xử với những người được tha tù trong thực hiện các chính sách xã hội như tạo công ăn việc làm, vay vốn để kinh doanh, sản xuất, xóa đói giảm nghèo… Trong đó, việc tiếp nhận những phạm nhân được đặc xá nói riêng, những phạm nhân hết hạn tù nói chung về địa phương tái hòa nhập cộng đồng cần phải có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các gia đình có phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn, phạm nhân hết hạn tù, phạm nhân được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, có đủ điều kiện được đặc xá, xóa bỏ phân biệt đối xử, cần giúp đỡ, tạo điều kiện để họ không bị mặc cảm và có điều kiện, cơ hội làm ăn như những người bình thường khác.

“Các đợt đặc xá là những cơ hội để phạm nhân suy xét lại những lỗi lầm họ đã phạm phải, tự đánh giá kết quả cải tạo, kiên quyết dứt bỏ quá khứ tội lỗi, phấn đấu trở thành công dân có ích cho xã hội. Qua báo cáo của Bộ Công an, tuyệt đại đa số phạm nhân được đặc xá có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái lập cuộc sống, tái hòa nhập với cộng đồng, trong đó, có những người có cuộc sống ổn định, thành đạt, tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động của xã hội được ghi nhận", ông Phạm Thanh Hà nêu rõ.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội và mọi công dân tiếp tục quan tâm, quản lý, giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ những phạm nhân được đặc xá, trở về hòa nhập cộng đồng, như mục tiêu của Chính phủ đặt ra tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP. Các cơ quan liên quan, đặc biệt các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đối ngoại để dư luận trong nước và quốc tế hiểu rõ về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước; tạo sự đồng tình, ủng hộ, góp phần nâng cao vị thể Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Quyết định đặc xá số 1535/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 30/8/2021, có hiệu lực từ ngày 1/9/2021. Theo đó, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện được hưởng đặc xá năm 2021. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch và các Thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

499 phạm nhân dân tộc thiểu số được hưởng đặc xá

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá năm 2021 cho biết, trong số 3.026  phạm nhân được đặc xá lần này có 283 phạm nhân thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ.

Theo đó, các phạm nhân được đặc xá năm 2021 thuộc các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội về chức vụ, đã nộp 24 tỷ đồng để thực hiện các bản án về dân sự và bồi hoàn, trong đó, người nộp nhiều nhất là phạm nhân chấp hành án tại Trại giam Thanh Xuân, thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã nộp 10 tỷ đồng. Trong tổng số hơn 3.000 phạm nhân đặc xá đợt này, các phạm nhân thực hiện bản án dân sự và chấp hành quy định về khắc phục hậu quả, đã bồi thường án dân sự với tổng số tiền khoảng 80 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong đợt đặc xá năm 2021, có 21 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài, trong đó có 2 phạm nhân quốc tịch Nhật Bản được đặc xá trong trường hợp đặc biệt; 499 phạm nhân là dân tộc thiểu số của Việt Nam, 314 phạm nhân là người có tôn giáo.