Hôm nay Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về kế hoạch phát triển 2019

Theo chương trình làm việc, sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Tĩnh

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để năm 2025 tăng trưởng kinh tế hai con số

Tổ chức trọng thể Lễ tang Đại tướng Nguyễn Quyết

 Toàn cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sau nội dung này, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 17 chương, 152 điều, trong đó bổ sung thêm ba chương mới so với Luật hiện hành (Chương II, Chương X và Chương XII), đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; các biện pháp xử lý nợ đọng thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; vấn đề điều tra thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế.

Một số nội dung cụ thể trình xin ý kiến Quốc hội gồm: nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định dự toán thu thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước bao gồm số thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa hằng năm theo quy định của pháp luật (Điều 14); về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và cơ chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thuế; về các trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 86)...

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kiến trúc. Dự án Luật đã trình Quốc hội tại phiên làm việc sáng 24/10.

Luật Kiến trúc ra đời nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Kiến trúc trình xin ý kiến Quốc hội gồm năm chương, 37 điều, quy định về quản lý kiến trúc, về hành nghề kiến trúc, về trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc.

Chiều 8/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 5, sau khi thảo luận về dự án luật này, Quốc hội đã quyết định mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án luật nên tên luật từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được đổi thành Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để sửa đổi một cách toàn diện nhằm thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, dự thảo luật phải cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 với những nội dung liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan để quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đảm bảo tính toàn diện, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tạo hành lang pháp lý thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo và huy động được các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.