Hội nghị Trung ương 7 thảo luận 3 Đề án quan trọng

Tại Hội nghị Trung ương 7 dự kiến sẽ khai mạc vào sáng ngày 07/5, Trung ương sẽ tập trung thảo luận về các đề án: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

 Ảnh minh họa.

Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng hệ thống chính trị, chăm lo đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bảo đảm an sinh xã hội nên được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hết sức quan tâm.

Ngoài ra, Trung ương cũng sẽ nghe báo cáo và cho ý kiến về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến Hội nghị Trung ương 7; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp năm 2017; công tác cán bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 là "Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 lần này nhằm ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược là việc rất khó và rất quan trọng. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến nay, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, trong đó có nhiều việc mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, đến nay mới từng bước được nhận diện và tháo gỡ.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, chồng chéo; nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả. Cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là điều trăn trở, băn khoăn, lo lắng của cấp ủy Đảng. Bởi vậy, nếu không có cuộc cách mạng đổi mới chính mình thì không thể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nếu bố trí cán bộ đúng thì công việc "chạy", còn bố trí cán bộ không đúng thì vừa khó, vừa khổ và công việc không "chạy". Do đó, trước nhiệm vụ mới, tình hình mới, đòi hỏi Đảng ta phải sớm có Nghị quyết mới về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Đề án đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Đề án này xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quá trình xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã làm việc trực tiếp với 15 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức 25 hội nghị, hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến 2 vòng các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các cán bộ Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học. Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cũng đặt hàng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành điều tra xã hội học về công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore…

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN.

Đề án này cũng nhằm cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ; đồng thời, cũng để đồng bộ với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các Nghị quyết Trung ương 5, 6 khóa XII về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đồng chí Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ IV, Ban Tổ chức Trung ương cho biết trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, Đề án đã đề xuất nhiều quan điểm mới, toàn diện hơn về lĩnh vực này.

Việc đánh giá cán bộ cấp chiến lược sẽ gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của lĩnh vực, ngành, địa phương và so sánh với các chức danh tương đương; đánh giá để bổ nhiệm và bầu cử phải trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan và tiếp nhận ý kiến phản ánh, đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm rõ cán bộ.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất, việc bầu cử, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện theo hướng mở rộng dân chủ, có số dư, cạnh tranh lành mạnh ở tất cả các chức danh. Ứng viên phải trình bày chương trình hành động, cam kết chịu trách nhiệm, bầu cử kết hợp với thi tuyển.

Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng; xác định rõ khái niệm tiêu chí về nhân tài cũng như quan điểm phát triển, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và phát huy; những cơ chế, chính sách để nhân tài phát triển, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược.

Trong đó, Đề án đưa ra cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp.

Đề án có nội dung về việc bổ sung và hoàn thiện quy định lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng và những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn theo hướng thực chất hơn; mở rộng thành phần lấy phiếu để làm rõ mức độ tín nhiệm đối với cán bộ.

Ngoài ra, để đảm bảo việc lựa chọn cán bộ khách quan và đúng người, quy định về thẩm định, giám sát bầu cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cũng sẽ được xây dựng.

"Chúng tôi sẽ xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hoá ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để chủ trương "có lên có xuống", "có vào có ra" là việc bình thường trong công tác cán bộ", ông Hưng nói.

Hàng loạt giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra, trong đó có thực hiện nhất quán việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND.

Nhằm tạo môi trường bình đẳng để thu hút tối đa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ các cấp, ban soạn thảo Đề án cho rằng cần tiếp tục mở rộng thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Theo đồng chí Phạm Quang Hưng, trước đây Trung ương đặt ra mục tiêu tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đạt 30% đối với các Bộ, ngành và lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng sắp tới sẽ mở rộng hơn. Vừa qua, Ban tổ chức Trung ương đã tổ chức thi tuyển tất cả các chức danh Vụ trưởng, sắp tới là cấp trưởng phòng.

Đề án đưa ra quyết tâm chặn đứng tiêu cực và triệt để chống tình trạng chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ được coi là tham nhũng trong công tác cán bộ để nhận diện rõ và đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện. Phải nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và hình thành văn hoá nói không với chạy chức, chạy quyền.
Đề án được xây dựng đảm bảo sự đồng bộ, hiêu quả với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Nghị quyết Trung ương 6 về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cải cách tiền lương: Không để ‘phụ’ thành ‘chính’

Chênh lệch quá lớn giữa lương và phụ cấp theo lương hiện nay dẫn đến trường hợp thu nhập của cán bộ, công chức chủ yếu nhờ phụ cấp chứ không phải nhờ lương. Đây là một trong những bất cập của chính sách tiền lương hiện tại và cần phải được thay đổi.

Theo tính toán của Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại phụ cấp các loại. Ví dụ: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút,...

Thực tế, nhiều loại phụ cấp có tính chất tương tự nhau, như phụ cấp chức vụ, chức danh cũng tương tự phụ cấp lãnh đạo nhưng vẫn được duy trì. Một cán bộ, viên chức có thể hưởng nhiều loại phụ cấp…

Một số loại phụ cấp không nhất quán như phụ cấp ở cơ quan Đảng từ Trung ương xuống cấp huyện là 30% nhưng ở cấp xã thì không áp dụng. Cũng với mức này, trong một Ban Đảng ở Trung ương lại chỉ có cấp Vụ trưởng trở xuống được hưởng còn chức danh Phó Trưởng Ban lại không được hưởng phụ cấp này.

Chính vì vậy, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết có trường hợp phi lý là thu nhập của Vụ trưởng của Ban Đảng (nhận phụ cấp thâm niên, phụ cấp cơ quan Đảng, phụ cấp chức danh,...) còn cao hơn lương cấp trên là Phó Trưởng Ban.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thao tính toán sở dĩ số lượng phụ cấp nhiều vì cứ mỗi một chính sách mới ra đời thì lại dễ xuất hiện thêm một loại phụ cấp mới. Riêng với phụ cấp cơ quan Đảng hiện nay được áp dụng là 30%, ông Thao cho rằng Đề án có thể bỏ ngay và tập trung sắp xếp, xây dựng phụ cấp theo nghề.

Trong cách tính lương theo ngạch, bậc, bản thân người lao động còn không nắm được chính xác mức lương của mình. Khi tính thêm cả phụ cấp thì việc tính toán thu nhập lại càng trở nên phức tạp. Không chỉ vậy, việc áp dụng nhiều phụ cấp dẫn đến mâu thuẫn giữa các ngành nghề trong xã hội.

Thống kê thu nhập nói chung của cán bộ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết trong tổng thu nhập của người lao động thì phụ cấp chiếm tới 54,55%, còn lại là từ lương được Nhà nước trả theo ngạch, bậc. Tỷ lệ này cũng tương đương với những tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Qua các đợt khảo sát ở nhiều ngành nghề, địa phương khác nhau, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công rút ra đánh giá rằng: “Phụ cấp đang làm chính sách tiền lương bị méo mó, “chính” thành “phụ”, “phụ”lại thành “chính”. Thu nhập ngoài lương không kiểm soát được”.

Theo thông tin từ ILO, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng chế độ phụ cấp, nhưng kinh nghiệm vận hành và quản lý chính sách tiền lương hiệu quả là phụ cấp (bao gồm cả phụ cấp thường xuyên và không thường xuyên) chỉ nên chiếm tối đa 30% tổng thu nhập của người lao động, còn lại 70% là từ lương.

Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia quốc tế về tiền lương, Đề án đã thiết kế thu gọn các nhóm phụ cấp, từ 20 nhóm hiện nay sẽ xuống còn 5 loại phụ cấp; rà soát, chuyển nhiều loại phụ cấp vào vị trí việc làm - tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương chứ không tính theo ngạch, bậc, thang bảng lương như hiện nay, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Theo đó, nhiệm vụ của các bộ, ngành là xây dựng và ban hành hệ thống bảng lương, phụ cấp lương và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở vị trí việc làm, tham khảo kinh nghiệm của thế giới; kế thừa những mặt tích cực và khắc phục những bất hợp lý, tính cào bằng, bình quân của chế độ tiền lương hiện hành để tiền lương (bao gồm cả phụ cấp lương và tiền thưởng) phải là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và tiến tới đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động.

8 đề xuất cải cách Bảo hiểm xã hội

Về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Đề án thiết kế chính sách đa tầng, hướng tới phổ cập toàn dân, tuân thủ nguyên tắc đóng- hưởng và chia sẻ rủi ro.
Cụ thể, tầng thứ nhất là tiền trợ cấp của Chính phủ cho người cao tuổi (đang thực hiện) do Bảo hiểm xã hội chi trả, đồng thời bổ sung hình thức cho người thụ hưởng đóng thêm theo nguyên tắc đóng - hưởng để hỗ trợ cho quỹ và nâng cao chất lượng chi trả.

Tầng thứ hai là bao phủ đối tượng có thu nhập thì có đóng Bảo hiểm xã hội, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần việc tham gia Bảo hiểm xã hội cho nông dân, người nghèo, người thu nhập thấp để hình thành văn hóa đóng - hưởng. Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã thành công với cách thức này khi hỗ trợ người khó khăn đóng bảo hiểm y tế.

Tầng thứ ba là thiết kế chính sách hưu trí tự nguyên lưu thông với khối thị trường.

Để bảo đảm nguyên tắc của chính sách và duy trì, phát triển quỹ, Đề án quy định người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội trên 10 năm thì mới bắt đầu được hưởng trợ cấp hưu trí. Nếu người lao động rời khỏi hệ thống trước thì chỉ được hưởng số tài khoản hiện hữu.

Đề án cũng đặt ra vấn đề điều chỉnh tuổi hưu để bảo đảm tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội, tập trung theo phương án điều chỉnh tăng tuổi từ 01/01/2021 theo lộ trình với người lao động bình thường trong điều kiện lao động bình thường tăng thêm mỗi năm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, Đề án nêu lên 8 yếu tố đột phá nhằm phúc đáp quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Đầu tiên, Đề án mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, xây dựng hệ thống Bảo hiểm xã hội đa tầng và hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội toàn dân. Bảo hiểm xã hội đa tầng sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân khi đang làm việc và ngay cả khi về hưu thay vì đơn tầng như lâu nay.

Nội dung đáng chú ý tiếp theo của Đề án là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo ông Phạm Trường Giang, trong bối cảnh già hóa dân số, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một xu thế tất yếu của tất cả các nước, không riêng Việt Nam. Phương án xin ý kiến Trung ương về tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình phù hợp để vừa đạt mục tiêu tăng tuổi nghỉ chung, vừa thu hẹp dần khoảng cách về giới trong tuổi nghỉ hưu. Những ngành nghề đặc biệt có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn so với tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi.

Thứ ba, Đề án kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ và thu hẹp khoảng cách về mức lương hưu trong tầng Bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức để khắc phục những bất hợp lý trong thời gian vừa qua.

Thời gian tới, công thức tính sẽ chú trọng sự chia sẻ, lúc đó sẽ diễn ra sự chia sẻ ở 3 khía cạnh. Đầu tiên là chia sẻ giữa nam và nữ (hiện nam cao hơn nữ), chia sẻ giữa người tham gia dài và người tham gia thời gian ngắn, giữa người có mức đóng cao do được đào tạo tốt hơn thì chia sẻ với người có mức lương hưu thấp. Đây không phải chia sẻ một cách sòng phẳng mà chia sẻ mang tính tương đối. Người lao động đóng cao vẫn hưởng mức cao một cách tương đối, chứ không phải đóng cao hưởng cao tuyệt đối như hiện nay.

Như vậy, lúc đó sẽ thu hẹp được khoảng cách về lương hưu, không còn tình trạng có người hưởng lương hưu ở mức rất cao và có người hưởng mức rất thấp.

Ngoài 3 đề xuất nêu trên, Đề án còn có 5 nội dung khác được cho sẽ tạo đột phá. Cụ thể là, tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách Bảo hiểm xã hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; điều chỉnh theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia để giảm số lượng hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; thiết kế lại các tham số Bảo hiểm xã hội để đảm bảo đạt mục tiêu bền vững tài chính của các Quỹ Bảo hiểm xã hội thành phần; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.

Việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia Bảo hiểm xã hội có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc và ngân sách nhà nước.

Với lộ trình dự kiến bắt đầu cải cách Bảo hiểm xã hội vào năm 2021, Ban soạn thảo Đề án cho rằng không thể chậm trễ hơn để bắt tay vào thực hiện các đề xuất trên, vì quỹ thời gian cần thiết để kịp thời thể chế hóa và chuẩn bị các điều kiện thiết yếu không còn nhiều./.