Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026: Sẽ có 19 đại biểu chuyên trách

(Mặt trận) - Chiều 22/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân 

Tăng 9 đại biểu chuyên trách so với quy định của luật 

Theo Tờ trình quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày, việc đề xuất tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội phù hợp với đặc điểm của thành phố là đô thị loại đặc biệt, là Thủ đô của cả nước, bảo đảm tính liên thông, thống nhất, xuyên suốt của quản lý đô thị. Mặt khác qua thực tiễn hoạt động của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2021, việc tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của TP Hà Nội sẽ góp phần để HĐND TP Hà Nội triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính quyền đô thị, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì HĐND cấp tỉnh được bố trí tối đa là 10 đại biểu hoạt động chuyên trách và Luật không có quy định về Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND cấp tỉnh. Tại Tờ trình số 60/TTr-CP, Chính phủ đề nghị trong nhiệm kỳ 2021-2026, tại thành phố Hà Nội được bố trí chức danh và số lượng đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã và đại biểu HĐND xã, thị trấn hoạt động chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Đối với HĐND thành phố, Chính phủ đề nghị bố trí tổng số 19 đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó, 3 đại biểu là lãnh đạo HĐND thành phố (gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch); mỗi Ban của HĐND thành phố bố trí 4 đại biểu (gồm Trưởng ban, 2 Phó Trưởng ban và 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách). Như vậy, so với quy định của Luật, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tại HĐND thành phố Hà Nội tăng thêm 9 đại biểu (trong đó, tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND).

Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, trong bối cảnh thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội thì việc Chính phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị bố trí tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội là có cơ sở thực tiễn, phù hợp với vị thế, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô và yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền ở cấp thành phố. Kiến nghị, đề xuất này cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cũng thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị (như thành phố Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.

Theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần bổ sung không nhiều, việc bố trí tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không làm tăng biên chế vì sẽ được cân đối trong tổng số biên chế hành chính của TP Hà Nội theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với kiến nghị, đề xuất của Chính phủ về việc bố trí số lượng, chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt giai đoạn thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14.

Sớm có chính sách cụ thể với Ủy viên chuyên trách tại Ban HĐND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, trong nhiệm kỳ 2016-2021, TP Hà Nội đã vận dụng thực hiện chế độ chính sách đối với Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND theo Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐND ngày 1.8.2016 của HĐND TP Hà Nội. Theo đó, ngoài chế độ lương theo ngạch bậc như đối với công chức thì Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND TP được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 0,6 lần mức lương cơ sở (được cân đối trong dự toán ngân sách chi cho hoạt động của HĐND TP).

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Ủy viên hoạt động chuyên trách tại các Ban của HĐND TP trực thuộc Trung ương là một chức danh mới, chưa được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương mà mới chỉ được quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong hệ thống thang, bảng lương hiện nay chưa có quy định về lương, phụ cấp và chế độ chính sách cho chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND. Dự thảo Đề án các chức danh, chức vụ tương đương từ Trung ương đến cơ sở và dự thảo Đề án cải cách tiền lương do Ban Tổ chức Trung ương đang chuẩn bị cũng chưa có quy định về vị trí và mức lương dành cho chức danh này. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý cho quá trình tổ chức thực hiện, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, sớm có đề xuất cụ thể về lương, phụ cấp và chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp đối với chức danh Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của HĐND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, do thành phố Hà Nội thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND ở các phường thuộc quận và thị xã nên nhiều nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã và cấp thành phố. Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, bên cạnh việc bổ sung đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở HĐND TP thì việc xem xét tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương ở các quận và thị xã trên địa bàn TP Hà Nội là rất cần thiết.

Qua rà soát và báo cáo của thành phố Hà Nội, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, huyện, thị xã nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn TP Hà Nội còn thấp so với mức tối đa được Luật quy định. Vì vậy, đề nghị TP Hà Nội có phương án sắp xếp, bố trí đủ số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cần thiết cho HĐND các quận và thị xã Sơn Tây trong nhiệm kỳ 2021-2026 để phù hợp với yêu cầu, khối lượng công việc và tăng cường năng lực giám sát, quyết định các vấn đề của địa phương trên địa bàn các quận, thị xã của thành phố Hà Nội khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ và các nội dung đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu rõ trong báo cáo thẩm tra sơ bộ.