Hà Nội: Từ 0 giờ ngày 1/8, tất cả quán bar, karaoke tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19

(Mặt trận) - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu 0 giờ ngày 1/8, tất cả quán bar, karaoke đều phải dừng hoạt động; nhà hàng, siêu thị thực hiện ngồi giãn cách, bảo đảm khoảng cách.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo 

Chiều 31/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo.

Hà Nội ghi nhận 53.768 người về từ Đà Nẵng
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo cho biết, tại Việt Nam, lũy tích đến 12h ngày 31/7/2020, có 509 ca mắc COVID-19 tại 36 tỉnh, thành phố. Trong đó có 373 trường hợp được công bố khỏi bệnh và chưa có trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, tính đến 13h ngày 31/7/2020, Hà Nội ghi nhận tổng số 123 ca mắc, trong đó 121 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Có 2 trường hợp mới ghi nhận ngoài cộng đồng (đều có tiền sử đi về từ Đà Nẵng).
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến 13 giờ ngày 31/7/2020, theo thống kê của trung tâm y tế 30 quận, huyện, thị xã, toàn TP ghi nhận 53.768 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay và đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Giải thích thêm về số người tăng gấp đôi so với số rà soát trước, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay, có thể một số người dân do quá hoang mang, lo lắng, nên mặc dù chỉ một người đi về từ Đà Nẵng nhưng khai báo y tế và đi xét nghiệm nhanh cả nhà.
“Người dân cần hết sức bình tĩnh. Nếu số lượng người xét nghiệm quá lớn thì ngành y tế sẽ không có đủ nguồn vật lực để xác định khoanh vùng được các trường hợp đi qua vùng dịch” – ông Nguyễn Khắc Hiền nói.
Thành phố xét nghiệm test nhanh cho 18.459 trường hợp, ghi nhận 10 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp test nhanh dương tính đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả 8/10 trường hợp có kết quả PCR âm tính (còn 2 trường hợp tại Gia Lâm chưa gửi mẫu).
Tại phiên họp, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, thực tế qua việc triển khai test nhanh cho thấy, số người dân đến xin được test nhanh trực tiếp tại các điểm lấy mẫu tăng vọt so với số rà soát. Vì vậy, ông Trương Quang Việt đề nghị trung tâm y tế các quận huyện phải rà soát, xác minh trước khi lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo chỉ định đúng đối tượng cần phải xét nghiệm.
Đại diện quận Nam Từ Liêm cho biết quận đã rà soát và xét nghiệm nhanh 237 trường hợp, trong đó có 204 trường hợp âm tính, có 1 trường hợp ở Đại Mỗ xét nghiệm nhanh dương tính nhưng sau khi xét nghiệm PRC đã âm tính.
Về kết quả liên quan bệnh nhân 447, quận đã rà soát truy vết các đối tượng liên quan, hiện nay 48 trường hợp F1 xét nghiệm PRC đều âm tính; cách ly tại nhà 201 trường hợp F2, riêng khu vực phát hiện bệnh nhân đã tạm thời cách ly toàn bộ tuyến phố.
Đại diện quận Tây Hồ cho biết, đến nay quận đã tổ chức test nhanh cho hơn 1.200 trường hợp trên tổng số hơn 2.000 trường hợp, tất cả đều có kết quả âm tính.
Toàn cảnh phiên họp 

Tiếp tục xét nghiệm nhanh người về từ Đà Nẵng

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá qua tình hình tại Đà Nẵng cho thấy, mức độ lây lan của dịch Covid-19 ngày càng nguy hiểm, chủ yếu xuất phát từ các bệnh viện, nguồn lây nhiễm đã lan ra ngoài cộng đồng.
Chủ tịch UBND TP nêu theo đánh giá của Bộ Y tế, khả năng lây nhiễm đã có nguồn từ đầu tháng và trải qua 4 giai đoạn. Nếu tính toán như vậy những ngày tới có thể tiếp tục có những ca nhiễm tại miền Trung bởi trong 79 ca nhiễm, có ca nhiễm không triệu chứng, có người hoàn toàn bình thường, chỉ có xét nghiệm mới xác định được.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP đánh giá cao việc từ chỉ đạo của TP, các đơn vị đã vào cuộc một cách khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc. Các đơn vị đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư và TP; bám sát mục tiêu chỉ đạo là phát hiện nhanh, cách ly kịp thời và lấy mẫu xét nghiệm nhanh.
Trong giai đoạn này cần lấy nhanh mẫu xét nghiệm bởi như vậy mới xác định được các ca nhiễm, do có ca bệnh không có triệu trứng chiếm tỷ lệ cao” – Chủ tịch UBND TP nói.
Đến nay, TP đã xét nghiệm 113/115 trường hợp F1 liên quan với 2 bệnh nhân, kết quả bước đầu đều âm tính, còn 2 trường hợp khi có kết quả sẽ thông tin đến người dân. Tại phiên họp BCĐ lần trước, TP xác định có 21.000 người về từ Đà Nẵng, nhưng sau 2 ngày đã tăng lên trên 53.000 người, nếu xét nghiệm nhanh số này là gấp đôi số người cần xét nghiêm trong tháng 3, 4.
Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục xác minh những người về từ Đà Nẵng, nhất là qua đường bộ, đường sắt, đề nghị các phương tiện truyền thông tiếp tục tuyên truyền để người dân tự giác khai báo y tế, để lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam về tiếp tục xét nghiệm, phấn đấu chiều mai (ngày 1/8) xét nghiệm xong.
Trường hợp có biểu hiện ho, khó thở, sốt toàn bộ đều phải lấy mẫu, chú ý các trường hợp nếu đã đến bệnh viện thì phải khám chữa theo đúng quy trình dịch Covid-19. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các hoạt động tập trung đông người như tại quán bar, karaoke, quán hàng nước vỉa hè thì phải dừng hoạt động. "Vì vậy, từ 0h ngày 1/8, tất cả quán bar, karaoke đều phải dừng hoạt động; các nhà hàng, siêu thị thực hiện giãn cách, bảo đảm khoảng cách. Các quận, huyện nhắc nhở để dừng hoạt động quán vỉa hè, trà đá..." – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở GD&ĐT cần làm tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tất cả trường học mẫu giáo, mầm non... trong giai đoạn này phải tiến hành vệ sinh sau mỗi giờ học.
Qua đề nghị của quận Ba Đình, Hoàng Mai, Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị CDC Hà Nội phải tiến hành cấp test nhanh cho các quận, huyện để ngày mai hoàn thành test nhanh. Từ đó, có kết quả ban đầu để TP có thể đề ra giải pháp, biện pháp khác cho phù hợp. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở Công Thương rà soát, đôn đốc các đơn vị bán hàng có các phương án, chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa để bảo đảm không tăng giá, không thiếu hàng; kết nối các tỉnh, thành để cung cấp nông, lâm, thủy sản cho thị trường Hà Nội.