Hà Nội triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ như thế nào?

(Mặt trận) - Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc. Hiện ngành Y tế Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680 - 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc xin Covid-19. Để bảo đảm tiêm chủng an toàn cho trẻ, thành phố đã chuẩn bị các phương án cũng như điều kiện cần thiết.

Thường trực Ban Bí thư làm việc với các cơ quan của Đảng, MTTQ về Nghị quyết số 18-NQ/TW

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam đến chào từ biệt

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh trong độ tuổi 12-17. 

Sẵn sàng 2 phương án tiêm cho trẻ

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 27-10, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 9,5 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó có hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 98% dân số trên 18 tuổi và 72,5% tổng dân số) và gần 3,5 triệu mũi 2 (đạt 56,93% dân số trên 18 tuổi và 42,1% tổng dân số).

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn chưa từng có. Cũng qua chiến dịch này, chúng ta nhận thấy được hiệu quả rõ rệt của vắc xin đối với việc giảm các triệu chứng bệnh nặng ở người mắc Covid-19 đã tiêm đủ 2 mũi. Rõ ràng, không có loại vắc xin nào hiệu quả 100%. Tuy nhiên, giá trị của vắc xin Covid-19 là giảm thiểu các triệu chứng bệnh nghiêm trọng, từ đó giảm các ca bệnh nặng và tử vong. Như tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, trong 53 nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin bị nhiễm Covid-19, chỉ 3 trường hợp cần hỗ trợ thở máy.

Trước hiệu quả rõ rệt của vắc xin, theo ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Nội), để phòng, chống dịch Covid-19, việc tiêm vắc xin cho trẻ là rất cần thiết, đặc biệt là khi trẻ trở lại trường học. Hiện thành phố đã có 2 phương án triển khai tiêm, đó là nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học bởi thời gian qua ngành Y tế và ngành Giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. Còn nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng với phương châm bảo đảm an toàn nhất cho trẻ em.

Hiện, ngành Y tế Thủ đô cũng đã lên danh sách khoảng 680 - 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc xin Covid-19. "Chúng ta sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ lượng vắc xin cần thiết. Nếu vắc xin không đủ, thành phố sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến độ tuổi thấp. Nếu bảo đảm được nguồn vắc xin, thành phố sẽ triển khai tiêm diện rộng cho trẻ, có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Chúng tôi hy vọng việc tiêm vắc xin cho trẻ sẽ sớm được triển khai", ông Khổng Minh Tuấn nói.

Trước thực tế không ít phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm vắc xin ở trẻ, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định, điều này là không đáng lo ngại. Bởi nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm xong cho trẻ từ 12-17 tuổi, thậm chí đang triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

"Trẻ từ 12 tuổi có cơ thể phát triển tương đương người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn. Quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vắc xin Covid-19 để có được chỉ định chính xác, bảo đảm tiêm an toàn, đúng đối tượng vì hiện nay, nhiều trẻ em trong độ tuổi 12-17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường...", ông Khổng Minh Tuấn lý giải.

Không nên trì hoãn việc tiêm vắc xin cho trẻ

Nhân viên y tế kiểm tra vắc xin Covid-19 trước khi tiêm. 

Về việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, theo CDC Hà Nội, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm sẽ khó khăn hơn với người lớn. Bởi khi trẻ tiêm sẽ có thêm người nhà đi cùng. Trẻ lại thường hay có tâm lý lo sợ điển hình, như: Hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng "blouse trắng"...

Trước thực tế đó, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, để công tác tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất là các cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học... Thứ hai là công tác chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần động viên, trấn an các trẻ để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vắc xin khác. Thứ ba là công tác theo dõi sau tiêm cho trẻ rất quan trọng.

"Trẻ còn nhỏ tuổi, đôi khi chểnh mảng, chưa thể tự theo dõi và báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó gia đình cần quan tâm phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao", ông Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh.

Ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Nội) cũng đưa ra khuyến cáo, tất cả các loại vắc xin đều có phản ứng nhất định nhưng với tỷ lệ thấp nên các bậc phụ huynh yên tâm, không nên trì hoãn việc tiêm vắc xin cho trẻ. Trước khi tiêm, trẻ được khám sàng lọc cẩn thận, các trường hợp đủ điều kiện sức khỏe sẽ được chỉ định tiêm; còn trường hợp có bệnh nền, dị ứng... sẽ được sàng lọc thận trọng.