Gìn giữ những sản phẩm đặc trưng của làng nghề Việt

(Mặt trận) - Tiếp tục chương trình làm việc với các tổ chức thành viên, ngày 15/2, tại Hà Nội, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và đi thăm mô hình sản xuất gốm tại Làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Báo cáo về tình hình hoạt động của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam năm 2018, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2013 với mục tiêu “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Hội nhập Quốc tế” và hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội tiếp tục ổn định và triển khai nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa, thiết thực đối với 1.100 hội viên trên cả nước.

Hiệp hội đã cử nhiều đoàn công tác tới các địa phương, làm việc với chính quyền, đoàn thể để bàn bạc việc thành lập các hội làng nghề, tiểu thủ công nghiệp và đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, Hiệp hội cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo nhằm tìm hướng nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra giải pháp đối với các làng nghề Việt Nam khi đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Qua các hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý, hiệp hội cần xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về thương mại điện tử để nâng cao nhận thức và hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân tại các làng nghề.

Sản phẩm của các làng nghề trong Hiệp hội đã tham gia triển lãm tại rất nhiều nơi như “Không gian Di sản Văn hóa Việt Nam”, “Triển lãm sản phẩm của thương binh và người khuyết tật Việt Nam” với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Hội chợ Triển lãm quốc tế Con đường tơ lụa thế kỷ 21 - 2018”… các sản phẩm trưng bày đều được Ban Tổ chức và khách tham quan đánh giá cao.

Là thành viên của MTTQ Việt Nam, thực hiện Văn bản số 5092/MTTW-BTT ngày 8/6/2018 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị tham gia ý kiến góp ý sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Hội đồng Tư vấn của Hiệp hội đã tổ chức tọa đàm góp ý kiến về nội dung sửa đổi Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng với đó, Hiệp hội luôn vận động hội viên hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, đặc biệt là đợt thi đua chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp từ ngày 1/9/2018 đến ngày 30/9/2019, từ đó, khơi dậy tinh thần hăng hái trong sản xuất, kinh doanh, khích lệ hội viên cùng đạt thành tích tốt nhất chào mừng Đại hội.

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, Hiệp hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc vận động các hội viên duy trì và phát triển những sản phẩm đặc trưng của làng nghề, từ đó gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt và quảng bá tới bạn bè trên toàn thế giới.

“Những nỗ lực của Hiệp hội trong duy trì những sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề đã góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, tạo cơ hội cho sản phẩm truyền thống được giao thương, xuất khẩu, giải quyết nhu cầu việc làm cho bà con tại địa phương và các vùng lân cận”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ghi nhận.

Khẳng định Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam luôn quan tâm tới sự phát triển và tạo điều kiện để bảo tồn, gìn giữ những sản phẩm đặc trưng của các làng nghề trên khắp mọi miền Tổ quốc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, Hiệp hội cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì sản phẩm làng nghề truyền thống để cùng chung tay xây dựng làng nghề ngày càng vững mạnh.

Cùng với đó, Hiệp hội cần tiếp tục lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của hội viên, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giao thương và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu Hiệp hội cùng với các hội viên nghiên cứu việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để mỗi sản phẩm làm ra vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng nhưng sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh đó, làng nghề cần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống để thu hút đông đảo khách du lịch ở trong và ngoài nước thăm quan, coi đây là nguồn lực để phát triển du lịch; giải quyết nhu cầu việc làm và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Trước đó, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã đi thăm các khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của Làng nghề Bát Tràng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.