Giải quyết những bất cập chính sách với lực lượng pháp chế viên, giám định viên

(Mặt trận) - Sáng 15/8, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tham gia giải trình làm rõ chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp, liên quan đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt đội ngũ pháp chế viên và giám định viên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024

Hà Nội tuyên dương 70 điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng trên 7%

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn. 

Tháo gỡ những khó khăn cho lực lượng pháp chế viên, giám định viên

Giải trình vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là đội ngũ pháp chế viên và giám định viên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ với ý kiến của các đại biểu khi cho rằng số lượng cán bộ còn mỏng, chất lượng còn nhiều hạn chế; tổ chức bộ máy có những khó khăn và bất cập. Đặc biệt là chế độ, chính sách chưa đảm bảo được yêu cầu thực tiễn công tác của pháp chế viên và giám định viên.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lãnh đạo Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc thống nhất để định hướng một số nhiệm vụ, tháo gỡ những khó khăn mà đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng có 2 nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nên các tổ chức pháp chế ở các địa phương phải sắp xếp lại theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Các phòng pháp chế của Sở Tư pháp sắp xếp lại, giảm đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nguyên nhân thứ hai, theo Bộ trưởng, lĩnh vực về pháp chế viên, giám định viên là một lĩnh vực khó phức tạp, nhạy cảm, lại đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ sâu, trong khi đó nguồn lực để bổ sung, tuyển dụng lại không thuận lợi.

Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp thống nhất phối hợp xây dựng một đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên cho giai đoạn 2023 - 2030. Đề án chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cập nhật những kiến thức để đội ngũ pháp chế viên, giám định viên đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên cơ sở Nghị định số 106/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, hai Bộ phối hợp hoàn tất thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm và khung năng lực mô tả vị trí việc làm đối với pháp chế viên, giám định viên để xác định biên chế lực lượng này.

Bên cạnh đó, hai Bộ thống nhất trong quá trình thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương sẽ đưa cải cách cơ chế, chính sách đặc thù đối với đội ngũ về pháp chế viên, giám định viên, kể cả vấn đề lương và phụ cấp tiền lương cho phù hợp với tính chất đặc thù của nghề nghiệp này.

Bộ trưởng cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo chung của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực thực tiễn để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Về phía Bộ Nội vụ, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về thu hút và trọng dụng người có tài năng vào khu vực công. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nghị định tới đây để xây dựng kế hoạch thu hút các nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Hoàn thiện hệ thống thể chế về phân cấp, phân quyền

 

Giải trình làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu về phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực tư pháp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực tiễn thời gian qua, việc phân cấp, phân quyền mặc dù đã có những chuyển biến rõ hơn nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, trong đó có những mặt liên quan đến hệ thống thể chế cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung.

Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 32 luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 35 nghị định và 25 thông tư.

Đến nay, theo sự chỉ đạo của Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, đã hoàn thành được việc sửa đổi, bổ sung 21 luật có liên quan về phân cấp, phân quyền. Đối với nghị định, đến thời điểm này, Chính phủ đã sửa được 19 nghị định. Các bộ cũng đang tập trung tiếp tục hoàn thiện các thông tư.

Theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, Bộ Nội vụ đang xây dựng kế hoạch nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Khi chúng ta sửa được hai luật cơ bản quan trọng này, cùng với các luật chuyên ngành, chúng ta sẽ thúc đẩy được phân cấp, phân quyền”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Liên quan đến thực trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh quyết tâm “công phá tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm và không dám làm, không dám chịu trách nhiệm”, đồng thời cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về nội dung này.

Bộ trưởng tin tưởng với các biện pháp trên, sắp tới, những rào cản, vướng mắc về cán bộ, cơ chế chính sách trong lĩnh vực tư pháp nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung sẽ được tháo gỡ, qua đó đảm bảo được nguồn cán bộ thuận lợi trong việc thực thi công vụ.