(Mặt trận) - Đó là đề nghị của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh tại cuộc họp ngày 20/3 về việc triển khai Kế hoạch phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kế hoạch phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018.
Theo đó, nội dung phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chỉ đạo tập trung vào 4 nội dung đó là: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, trọng tâm là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành giáo dục, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nội dung và kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Để tổ chức giám sát, đoàn sẽ giám sát tại 6 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh, thành phố phía Bắc, 2 tỉnh miền Trung và 2 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Dự kiến chương trình giám sát sẽ được thực hiện trong quý III/2018.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất nội dung, chương trình phối hợp giám sát cần bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW để từ đó đề xuất được chính sách, giải pháp và kiến nghị với các bộ, ngành. Đồng thời, chương trình giám sát cần tập trung vào phương án đổi mới về lĩnh vực then chốt như giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông, những chủ trương đối với giáo viên và giảng viên, chương trình giáo dục, các nhóm giải pháp về quản lý như nhân lực, nguồn lực vật chất…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho biết, cuộc họp này nhằm triển khai chương trình đã ký kết năm 2017. Để tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo đã phân công nội dung, nhiệm vụ cho các bộ, ngành, tổ giúp việc để đảm bảo cho việc tham mưu, giúp việc hiệu quả, thống nhất những nội dung thực hiện năm 2018. Theo đó, tập trung vào giám sát Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
“Trong năm 2017 và năm 2018, Ban Chỉ đạo tổ chức 3 chương trình phối hợp sao cho không trùng lắp giữa các đoàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Các đoàn có thể trực tiếp tham gia giám sát một hoặc hai đơn vị trực thuộc tại địa phương được giám sát.”, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cho rằng, nội dung, kế hoạch giám sát phải bám theo chương trình đã ký kết, để khi tiến hành sơ kết sẽ chỉ ra được những vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW và tìm ra hướng khắc phục.
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh họp bàn với Ban Chỉ đạo giám sát thực hiện Bảo vệ môi trường nhằm thông qua kế hoạch phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2018.
Nội dung phối hợp giám sát tập trung vào việc giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giám sát việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường; việc chấp hành pháp luật trong quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, bệnh viện, chợ và trung tâm thương mại; giám sát trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong đánh giá tác động môi trường, nhất là một số dự án đang gây ô nhiễm; giám sát việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên trái quy định…
Chương trình giám sát có sự phối hợp giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Hội Y học Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo đó, thời gian giám sát sẽ diễn ra từ tháng 4 đến tháng 9/2018 theo hướng chọn lọc địa phương đại diện cho miền Bắc, miền Trung, miền Nam, vùng núi, vùng biển, vùng đồng bằng,… nhằm đảm bảo tính đại diện trong triển khai chương trình giám sát.
Từ nội dung và chương trình đã nêu, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh đề nghị cần phải có đề cương cụ thể nhằm triển khai các chương trình giám sát, đồng thời các đoàn giám sát phải lựa chọn các nội dung trọng điểm tại địa bàn để từ đó đưa ra kiến nghị phù hợp với chương trình giám sát.
Hương Diệp