Đưa Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đi vào cuộc sống

(Mặt trận) - Ngày 27/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cho các chức sắc, nhà tu hành tại các tỉnh, thành phố phía Bắc. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Quang cảnh Hội nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 với 9 chương, 8 mục, 68 điều và sẽ có hiệu lực thi thành từ ngày 1/1/2018. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo trước đó. Luật đã có nhiều điểm mới, tiến bộ, ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; của những người bị hạn chế quyền công dân; của người chưa thành niên; của chức sắc, chức việc, nhà tu hành; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Luật cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đảm bảo cho quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện trong thực tế.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cung cấp một số thông tin về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016.

Hiện nay, để đưa Luật vào cuộc sống, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hai dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật và dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Các văn bản này đang được Chính phủ xem xét, ban hành. Trong đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo sẽ có hiệu lực đồng thời với Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được cân nhắc thời điểm ban hành cũng như thời điểm có hiệu lực để tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến của cộng đồng các tôn giáo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã giới thiệu tới các đại biểu về việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo; đại diện lãnh đạo Ban Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam thông tin một số kết quả về việc các tôn giáo tham gia xã hội hóa giáo dục, mầm non, y tế, bảo trợ xã hội và dạy nghề.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực giới thiệu về việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác tôn giáo.

Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, Ban tổ chức kỳ vọng Hội nghị sẽ giúp các chức sắc tôn giáo, cán bộ chủ chốt làm công tác tôn giáo của MTTQ Việt Nam nắm vững được những vấn đề cơ bản trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo; công tác Mặt trận về tôn giáo. Các đại biểu tham dự sẽ là nòng cốt để thông tin, phổ biến, tuyên truyền trong quá trình công tác để góp phần thực hiện tốt chính sách pháp luật về tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại biểu tham dự Hội nghị đã được phổ biến một số kết quả về việc các tôn giáo tham gia xã hội hóa giáo dục, mầm non, y tế, bảo trợ xã hội và dạy nghề thời gian qua. Theo đó, đến nay Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức tôn giáo thuộc 15 tôn giáo. Tổng cộng cả nước có hơn 24 triệu tín đồ các tôn giáo (Phật giáo có khoảng 11 triệu tín đồ; công giáo có trên 6,7 triệu tín đồ; Cao Đài (đã công nhận 10 hội thánh và 1 pháp môn) với 2,3 triệu tín đồ; Phật giáo Hòa Hảo có hơn 1,3 triệu tín đồ… Ngoài ra, rất đông đảo người dân Việt Nam tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tin ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Ước tính 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo, các hiện tượng tôn giáo mới cũng có xu hướng gia tăng. Các tôn giáo Việt Nam hiện nay có trên 80.000 chức sắc, nhà tu hành, gần 26.000 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Trong thơi gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội khác. Tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đơn cử năm 2016, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, cứu trợ thiên tai của Phật giáo Việt Nam đạt trên 2.000 tỷ đồng. Các cơ sở giáo dục  mầm  non tư thục do các cá nhân tôn giáo thành lập đã huy động khoảng gần 126.000 trẻ em đến lớp, chiếm hơn 3% tổng số trẻ mầm non toàn quốc. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo cũng đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh; tiến hành khám chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho rất nhiều bệnh nhân; cùng với đó là hoạt động dạy nghề của các tổ chức, cá nhân tôn giáo với 12 cơ sở dạy nghề.