Dư luận nói về Hội nghị Trung ương 7 và chống “chạy chức, chạy quyền”

Nhiều người dân phấn khởi khi Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị Trung ương 7 cần tìm cho ra giải pháp khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú của địa phương, đơn vị, cần tìm cho ra giải pháp khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu".

Toàn cảnh buổi khai mạc Hội nghị Trung ương 7

Theo dõi phiên khai mạc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Tổng Bí thư đã nêu lên những câu hỏi lớn, đều là những vấn đề xã hội rất cần câu giải đáp, điều chỉnh. 

Đại biểu Phương cho rằng, công tác cán bộ thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó, có địa phương đề bạt, bổ nhiệm không đúng quy trình; có địa phương, người cán bộ được bổ nhiệm không đủ phẩm chất, năng lực; cũng có nơi còn tranh thủ bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm những đối tượng chạy chức, chạy quyền… khiến lòng tin của người dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn, thậm chí nhiều lúc, nhiều nơi người dân đã có những phản ứng.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội khóa 14 

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, việc Hội nghị Trung ương 7 xác định nội dung trọng tâm “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đáp ứng được nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thực hiện những nội dung của Trung ương 7 chắc chắn sẽ làm cho người dân có niềm tin hơn về công tác cán bộ, về đội ngũ cán bộ của Đảng.

“Những cán bộ cấp chiến lược phải thực sự là những con người ưu tú, có tầm nhìn xa, có khả năng định hướng và đáp ứng được các yêu cầu trong tương lai; phải đảm bảo đáp ứng về đạo đức, trách nhiệm, phải được bổ nhiệm đúng quy trình”- đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Cùng theo dõi phiên khai mạc của Hội nghị Trung ương, một số cán bộ hưu trí ở Tổ dân phố 16 phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội bày tỏ niềm tin Hội nghị lần này sẽ làm rõ các giải pháp nhằm tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì cán bộ đó.

Ông Hoàng Văn Các, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ 1-Ban Nội chính Trung ương, Tổ trưởng Tổ dân phố 16 phường Việt Hưng cho rằng, Tổng Bí thư chỉ đạo Hội nghị tìm câu trả lời cho câu hỏi về những bất cập trong công tác cán bộ thời gian gần đây là rất đúng.

Ông Các cho rằng, Đảng luôn nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Tuy nhiên, có thể chúng ta đã có giai đoạn buông lỏng trong công tác này, vì vậy, khi Trung ương siết chặt lại tổ chức, nhiều điểm bất cập đã lộ diện.

Ông Hoàng Văn Các, nguyên Phó vụ trưởng Vụ I-Ban Nội chính Trung ương, Tổ trưởng tổ dân phố 16 phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

“Những cán bộ về hưu như chúng tôi cảm thấy sốc khi nhiều tướng lĩnh, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, của Quân đội, của Công an bị khởi tố. Soi vào chỉ đạo của Tổng Bí thư trong phiên khai mạc Hội nghị Trung ương và những nội dung trọng tâm của Hội nghị Trung ương lần này, tôi thấy Trung ương đặt vấn đề về “xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là rất kịp thời, đúng đắn”-ông Hoàng Văn Các nói.

Bình luận về chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7 lần này: "Phải khắc phục cho được tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu", ông Nguyễn Anh Sơn-Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XIII cho rằng, không phải ngẫu nhiên Trung ương đưa nội dung khắc phục nạn “chạy chức, chạy quyền” ra bàn thảo. Thực trạng này thời gian qua đã khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành khiến lòng tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ bị xói mòn nghiêm trọng.

“Gần như ai cũng cảm thấy có tình trạng chạy chức, chạy quyền nhưng không ai chỉ ra được từng trường hợp cụ thể dẫn đến tình trạng nhiều cán bộ đi lên không phải bằng năng lực, trình độ. Điều này là rất nguy hiểm”-ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng khẳng định, với những cán bộ đi lên bằng con đường “chạy chức, chạy quyền” thì khi họ có chức vụ sẽ quay sang tìm cách trục lợi cá nhân để bù đắp những chi phí để chạy chức, chạy quyền. 

“Tổng Bí thư đã đưa vấn đề “chạy chức chạy quyền” ra Hội nghị Trung ương, rõ ràng đây không còn là vấn đề nhỏ, ở một phạm vi hẹp nữa, mà đây thực sự đã trở thành “cản trở” trong công tác cán bộ của Đảng ta”-ông Sơn khẳng định.       

Những vấn đề đặt ra tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII đang được đông đảo đảng viên, người dân cả nước quan tâm. Nhân dân đặt sự kỳ vọng qua Hội nghị lần này, Trung ương sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và tương lai.