Đồng chí Trường Chinh - Luôn xuất hiện đúng lúc trong mỗi bước ngoặt của lịch sử nước ta

(Mặt trận) - Là nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, nhà văn hóa lớn, nhà báo nổi tiếng, một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người uôn xuất hiện đúng lúc trong mỗi bước ngoặt của lịch sử cách mạng nước ta. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Trường Chinh là dịp chúng ta ôn lại những cống hiến to lớn, xuất sắc cho cách mạng Việt Nam, cho Đảng và dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm 

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9/2/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường , tỉnh Nam Định. Đồng chí sinh ra trong một gia đình hiếu học, truyền thống khoa bảng, yêu nước, có nhiều cống hiến cho cách mạng Việt Nam.

Trải qua các phong trào yêu nước và là đảng viên thời dựng Đảng, đồng chí Trường-Chinh đã đảm nhiệm trọng trách quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1940), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1957), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) và trong nhiều năm đồng chí là người đứng đầu Quốc hội và Nhà nước ta. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc bởi sự xuất hiện của đồng chí trong mỗi bước ngoặt gắn với những sự kiện thắng lợi trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên những chặng đường phát triển mới phù hợp với sự tiến hóa của nhân loại và thời đại mới: Cách mạng tháng Tám; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và đổi mới xây dựng đất nước.

Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất

Sớm tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng năm 1927, đồng chí Trường-Chinh là một trong những người tiên phong tham gia vận động thành lập Đảng và trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930). Những hoạt động đó đã góp phần đưa cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới, giai đoạn giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta phát huy vai trò quyết định xu thế phát triển của đất nước theo con đường của chủ nghĩa Mác –Lênin.

Ba lần trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc về lý luận và chỉ đạo thực tiễn khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân - toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; lý luận và tổ chức về xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, thêm bạn, bớt thù; lý luận và chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đảng, xây dựng nhà nước và pháp luật; về công tác tư tưởng, công tác văn hóa, văn nghệ... Những cống hiến đó thể hiện việc nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ với sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng thời tỏ rõ năng lực tư duy sáng tạo và đúng đắn của đồng chí Trường-Chinh. Vì vậy, những chiến lược, sách lược mới do đồng chí đề xuất và những vấn đề thực tiễn do đồng chí tổng kết đã trở thành lý luận và những bài học lớn của Đảng ta.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta luôn ghi nhớ ba bài học lớn mà đồng chí đã tổng kết: 1. Sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân. 2. Đảng cần phải nắm vững là phải tôn trọng quy luật khách quan, phải vận dụng nó một cách đúng đắn vào thực tế cách mạng nước ta. 3. Nhất thiết phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Quyết tâm chiến đấu cho độc lập dân tộc với tư cách của một người cộng sản, một nhà chính trị, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường-Chinh đã kế thừa và không ngừng hoàn thiện, nâng cao vốn văn hóa của mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để luyện thành một nhân cách văn hóa lớn. Bởi vậy, không chỉ là nhà hoạt động chính trị cộng sản mà đồng chí còn là một nhà văn hoá, một nhân cách văn hoá lớn có nhiều đóng góp quan trọng hình thành đường lối lãnh đạo và lý luận của Đảng về văn hóa.

Từ trong vận động Cách mạng tháng Tám, đồng chí Trường-Chinh đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hoá mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng của Việt Nam. Đồng chí Trường-Chinh là hiện thân của công tác tư tưởng và công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người ở nước ta. Vừa là nhà báo cách mạng nổi tiếng, vừa là người tổ chức, chỉ đạo báo chí của Đảng, đồng chí đã trực tiếp viết nhiều bài báo với tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục mạnh mẽ và cổ động cách mạng sâu rộng. Những bài báo đó là một bộ phận trọng yếu trong di sản tư tưởng và lý luận của đồng chí Trường-Chinh và giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Với bút danh Sóng Hồng, đồng chí Trường Chinh là một nhà thơ cách mạng với những bài thơ thể hiện sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Những người cầm bút, các nhà hoạt động văn hoá - văn nghệ và báo chí không thể nào quên tuyên ngôn của đồng chí: "Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ, Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền!".

Là nhà lãnh đạo chính trị cộng sản, đồng chí luôn đứng ở tầm cao văn hoá của dân tộc và nhân loại để suy nghĩ và sáng tạo. Là nhà văn hoá lớn, đồng chí đã hiến dâng toàn bộ trí tuệ và tài năng cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã phát huy sức mạnh của cả chính trị và văn hoá để trở thành một nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo lớn của nước ta.

Một phẩm chất chính trị kiên định

Là Tổng Bí thư của Đảng, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau của cách mạng nước ta, lúc nào đồng chí cũng đem hết sức lực, trí tuệ để cống hiến cho Đảng và dân tộc, luôn trau dồi kiến thức, lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí và quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng đường lối của Đảng. Trước những biến đổi phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, là người hoạch định và quyết định chiến lược mới trong cách mạng giải phóng dân tộc, hoạch định đường lối kháng chiến, đề xuất đường lối đổi mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là người chịu trách nhiệm trước Đảng và dân tộc tổ chức thực thi những đường lối ấy, đồng chí luôn tỏ rõ thái độ dứt khoát, khẳng định bản lĩnh chính trị và trí tuệ khoa học của người Tổng Bí thư của Đảng. Trong thời kỳ đầu của mỗi giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trước những bước ngoặt lịch sử, việc tỏ rõ thái độ và khẳng định những vấn đề, quan điểm có tính nguyên tắc có giá trị quan trọng trong thống nhất tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân trong đấu tranh cách mạng và giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong hoà bình, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí xác định để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về lý luận, làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn. Trên cơ sở lý luận đúng đắn dẫn đường, tiến hành thiết kế các cơ chế quản lý cụ thể cũng như soạn thảo các chính sách, biện pháp phù hợp đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Thường xuất hiện ở những bước ngoặt của cách mạng, để đề xướng và tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết của Đảng, đồng chí Trường-Chinh thể hiện nổi bật phẩm chất chính trị kiên định, sự tận tuỵ, lòng trung thành của người cộng sản, tài năng tổ chức và trí sáng tạo của một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta.

Đồng chí Trường-Chinh luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn, chung lưng đấu cật với đồng chí, hòa mình vào nhân dân, vượt lên ngục tù và án tử hình của chế độ thực dân, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân, vì hạnh phúc của con người Việt Nam. Năm 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, đồng chí đã đề nghị Người giữ trách nhiệm là Tổng Bí thư của Đảng. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí không nhận một chức vụ nào của chính quyền. Trước những sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất, đồng chí nhận trách nhiệm, xin từ chức Tổng Bí thư để nhận nhiệm vụ Trưởng ban sửa sai và hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, giữ vững uy tín của Đảng. Những người cộng sản luôn nhớ di huấn của đồng chí: "Công tác cách mạng của chúng ta có thành tích và cũng có sai lầm. Điều cốt yếu là Đảng ta tránh được những sai lầm về đường lối cách mạng, và một khi phạm sai lầm dù lớn dù nhỏ đều thành khẩn nhận hết sai lầm và kiên quyết sửa chữa... Vì đường lối cách mạng của Đảng ta đúng, bản chất chế độ ta tốt, quần chúng nhân dân ta nói chung vẫn tin tưởng ở Đảng ta và Chính phủ ta, cho nên ta có điều kiện tốt để sửa sai và tiến lên".

Tám mươi mốt tuổi đời, sáu mươi ba năm hoạt động cách mạng kiên cường và liên tục, đồng chí Trường-Chinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc, cùng với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Với những cống hiến xuất sắc cho cách mạng, Đảng và dân tộc ta đã tôn vinh đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luôn xuất hiện đúng lúc trong mỗi bước ngoặt của lịch sử nước ta trong thế kỷ XX, góp phần thúc đẩy cách mạng nước ta tiến lên những chặng đường phát triển mới phù hợp với sự tiến hoá của nhân loại và của thời đại mới - với vai trò đó - Trường-Chinh là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.