Đồng chí Lê Đức Anh với công tác Mặt trận

(Mặt trận) - Trong những ngày này, toàn dân tộc ta hân hoan, tự hào kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 - 30/4/2019); đồng thời càng ghi nhớ sâu sắc công ơn của những anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ và đồng bào đã hy sinh để có ngày đoàn tụ của toàn dân tộc. Đồng chí Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, vị tướng cuối cùng trong số những tướng lĩnh chỉ huy các mũi tiến công của quân và dân ta tiến về giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975, hoàn thành thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đã đi xa theo quy luật của cuộc sống đời thường.

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm và chúc tết nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh năm 2012 (Ảnh do tác giả cung cấp)

Sự ra đi của đồng chí Lê Đức Anh để lại trong chúng ta lòng thương tiếc vô hạn, cùng sự ngưỡng mộ cao cả về một đồng chí lãnh đạo của đất nước tài ba, lỗi lạc trên lĩnh vực quân sự; có nhiều hiến kế và quyết sách xuất sắc trong hoạch định chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong công tác đối ngoại để hóa giải những rào cản, tiến tới bình thường hóa quan hệ với các nước lớn vốn là “thù địch” trước đây, tìm ra phương thức xây dựng hòa bình, hợp tác cùng phát triển.

Đối công tác Mặt trận, mặc dù không phải là người trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng đồng chí Lê Đức Anh với kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm của người đã từng hòa mình trong tổ chức Mặt trận Việt Minh ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo, gợi mở nhiều vấn đề để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt nhất vai trò, trách nhiệm của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian làm công nhân ở đồn điền cao su Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Anh đã tìm cách vận động, tập hợp công nhân, thành lập “Nghiệp đoàn cao su” (năm 1943); “Hội Người Việt Nam mới” (1945), là những hình thức tập hợp quần chúng nhân dân một cách hợp pháp của Mặt trận Việt Minh để tiến hành đấu tranh cách mạng. Những tổ chức này của Mặt trận Việt Minh địa phương đã tập hợp lực lượng công nhân đồn điền cao su và đồng bào dân tộc thiểu số ở Hớn Quản và Bù Đốp. Tỉnh ủy và Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thủ Dầu Một giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Đức Anh trực tiếp lãnh đạo, hướng dẫn các tổ chức này tiến hành khởi nghĩa ở địa phương ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau đó kéo quân về hợp điểm giành chính quyền ở tỉnh lị đêm 24, rạng ngày 25 tháng 8 năm 1945.[1]

Khi được Đảng giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng vũ trang đánh Pháp  ở miền Nam (1945 - 1954), rồi tập kết ra miền Bắc và quay trở lại chiến trường miền Nam bằng con tàu không số năm 1963 để chỉ huy các lực lượng của Quân giải phóng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để đánh Mỹ. Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, đồng chí lại được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân tình nguyện Việt Nam giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi ách diệt chủng của tập đoàn Pôn Pôt, Iêngxari. Đồng chí Lê Đức Anh đã để lại nhiều bài học sâu sắc và kinh nghiệm quý báu về công tác binh vận, Mặt trận. Danh hiệu “Quân đội nhà Phật” mà nhân dân Campuchia dành tặng cho lực lượng quân tình nguyện Việt Nam trong thời gian giúp bạn là một minh chứng hùng hồn.

Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch nước, sáng kiến phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” do  đồng chí Lê Đức Anh đề xuất, được Bộ Chính trị đồng ý. Sau đó, Lệnh số 36L/CTN, công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” do chính Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký ban hành, là một bài học thực tiễn sâu sắc của công tác Mặt trận trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Khi làm cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, hoặc sau này dù đã nghỉ ngơi, nhưng đồng chí Lê Đức Anh luôn quan tâm vấn đề đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải thể hiện một cách cụ thể, thiết thực để bảo đảm quyền lợi của người dân. Đặc biệt, mỗi khi xảy ra tình hình “nóng” trong nhân dân, đồng chí thường chỉ ra những phương thức tham gia giải quyết của Mặt trận các cấp sao cho vừa bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Người viết bài này có may mắn được gần gũi với đồng chí Lê Đức Anh nên đã lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo, gợi mở này và đã kiến nghị với các cơ quan liên quan, góp phần giải quyết một số vụ việc trong tình hình nhân dân theo hướng này, cụ thể nhất là vụ án Nông trường Sông Hậu, Giám đốc Trần Ngọc Sương.

Đồng chí Lê Đức Anh là một trong số ít nhà lãnh đạo xuất sắc trên cả lĩnh vực quân sự và lĩnh vực chính trị. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “... anh Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”[2].

 

PGS.TS. Lê Bá Trình

Ủy viện ĐCT, nguyên PCT Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam



[1] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.109 và 118.

[2] Lời tựa của đồng chí Đỗ Mười trong cuốn sách: Đại tướng Lê Đức Anh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2005.