(Mặt trận) - Đó là mong muốn của ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi đến thăm, chúc mừng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh sáng 9/4, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2018 của đồng bào dân tộc Khmer.
Trà Vinh hiện có đồng bào 8 tôn giáo cùng sinh sống là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Hồi giáo, Hòa Hảo, trong đó có một lượng lớn đồng bào Phật giáo Nam tông Khmer. Toàn tỉnh có 399 cơ sở thờ tự, 6.700 chức sắc tín việc và khoảng 550 ngàn tín đồ các tôn giáo, chiếm 51% dân số. Riêng Phật giáo Nam tông Khmer có 143 chùa, 3.266 vị sư và 305.000 tín đồ, phật tử.
Đặc thù của Phật giáo Nam tông Khmer là vị sư có một vị trí đặc biệt trong xã hội. Không chỉ là người hướng dẫn tín đồ, phật tử về mặt tâm linh, các vị sư Nam tông Khmer còn là người thầy giúp đỡ, hướng dẫn người dân nhiều việc trong đời sống xã hội như văn hóa, giáo dục, từ đó hướng người dân - tín đồ sống hòa thuận, gương mẫu, xây dựng gia đình, xã hội lành mạnh, an vui.
Tại chùa Kom Pông, Hoà thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh bày tỏ niềm vui mừng khi được đón đoàn công tác đúng vào dịp tết Chôl Chnăm Thmây.
Hòa thượng Thạch Sok Xane cho biết, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Trà Vinh nói chung và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh nói riêng đã có nhiều hoạt động góp phần vào phong trào thi đua yêu nước của tỉnh.
Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh đã tích cực động viên, khích lệ sư sãi, tín đồ tham gia vào các hoạt động đạo - đời hài hoà; tuyên truyền, vận động các chư tăng, phật tử, thế hệ trẻ nâng cao trình độ học vấn, duy trì tiếng Khmer; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động theo hướng đồng lòng, đồng tình, từ đó phát huy vai trò của Hội trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hoà thượng Thạch Sok Xane khẳng định, với vai trò và uy tín của mình, Hoà thượng sẽ cùng với Hội tiếp tục vận động, kêu gọi các chư tăng, phật tử tiếp tục phát huy truyền thống, giữ gìn bản sắc, đồng lòng cùng với đồng bào các tôn giáo khác xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. “Mỗi chùa, mỗi gia đình, mỗi chư tăng luôn ý thức sống đẹp, sống tốt, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mình để cùng xây dựng đất nước.”, Hoà thượng Thạch Sok Xane bày tỏ.
Ghi nhận những đóng góp của các vị sư sãi, a cha trong Giáo hội Phật giáo tỉnh Trà Vinh và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, lễ tết Chol Chnăm Thmây đã trở thành ngày hội của không chỉ đồng bào Khmer nói riêng mà cả đồng bào các dân tộc khác tại vùng Tây Nam Bộ nói chung, thực hiện sự phân công của Ban Bí thư, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các vị sư sãi, a cha, chúc đồng bào hưởng Tết trong không khí vui tươi, hạnh phúc, đồng thời nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, MTTQ và toàn xã hội luôn quan tâm chăm lo tới đời sống của đồng bào Khmer.
Khẳng định vai trò của các vị sư sãi, a cha trong việc thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, chung sức, chung lòng với nhân dân cả nước giúp đỡ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng đây chính là cơ sở để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó góp phần vào thành công chung của đất nước trong năm qua.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, với vai trò và uy tín của mình, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh sẽ vận động đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận phát động và thể hiện vai trò tích cực là thành viên của MTTQ Việt Nam.
Với mong muốn đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị bà con đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục nâng cao trình độ học vấn, động viên con em đến trường vì chỉ khi nâng cao trình độ học vấn thì mỗi gia đình mới có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh. Cùng với đó, để duy trì, gìn giữ bản sắc văn hoá của đồng bào Khmer, mỗi người cán bộ phụ trách dân tộc phải biết tiếng Khmer, mỗi người Khmer phải đọc thông, viết thạo tiếng Khmer.
Để làm được điều này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm tới đời sống của đồng bào Khmer, tạo điều điện để đồng bào yên tâm học tập, lao động, sản xuất, đảm bảo sức khoẻ để đồng bào cùng chung sức, chung lòng vì sự phát triển của quê hương, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hương Diệp