Chiều 10-11, tại TP Đà Nẵng, diễn ra Phiên toàn thể Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và có bài phát biểu tại Phiên toàn thể. Tham dự có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng 63 đại diện ABAC là các doanh nghiệp trong khu vực APEC.
Các đại biểu tại Phiên toàn thể Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Ảnh: BAN TỔ CHỨC
Sau Phiên toàn thể, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự ba phiên thảo luận nhóm để cùng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các đại diện ABAC làm sáng tỏ hơn các chính sách và giải pháp nhằm tăng cường hợp tác của chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong việc bảo đảm phát triển kinh tế bao trùm; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vào thị trường toàn cầu; tích cực đóng góp để APEC trở thành cơ chế hợp tác hiệu quả hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo việc làm cho người dân.
* Chiều 10-11, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ trì cuộc Đối thoại cấp cao không chính thức giữa Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN). Tham dự Đối thoại có các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít và Cố vấn Nhà nước Mi-an-ma A-ung Xan Xu Ki.
Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc Đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Đối thoại diễn ra vào thời điểm châu Á - Thái Bình Dương đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bên cạnh những xu hướng tích cực và những vận hội lớn đang nổi lên, khu vực của chúng ta cũng đang đối mặt những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại và rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn.
Chủ tịch nước khẳng định, trong bối cảnh năm nay đánh dấu việc cả APEC và ASEAN đều đang chuẩn bị bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng: APEC đang chuẩn bị bước vào thập niên thứ tư và xây dựng tầm nhìn sau năm 2020; ASEAN đang ở năm kỷ niệm vàng sau 50 năm thành lập và đang tích cực thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, cuộc Đối thoại là cơ hội tốt để các nhà lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn và định hướng cho hợp tác APEC - ASEAN, đặc biệt là làm thế nào để hai Diễn đàn có thể bổ trợ lẫn nhau trong ứng phó những thách thức chung về liên kết, kết nối kinh tế và cùng nhau củng cố cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, qua đó tạo động lực mới cho một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Tiếp đó, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC cùng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ nhiều ý kiến sâu sắc, gợi mở những phương hướng và biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa APEC và ASEAN.
* Chiều 10-11, tại TP Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp Tổng thống LB Nga V.Pu-tin.
Cuộc gặp diễn ra trong không khí hữu nghị, tin cậy và cởi mở. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Tổng thống V.Pu-tin đã sớm nhận lời tham dự và góp phần quan trọng vào thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017; cảm ơn Ngài Tổng thống, Chính phủ và nhân dân LB Nga về sự cảm thông, chia sẻ với các nạn nhân bão Đam-ri cũng như sự hỗ trợ vật chất thiết thực giúp Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão.
Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng và ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga, mong muốn hai bên tích cực triển khai các biện pháp cụ thể để đưa mối quan hệ song phương ngày càng phát triển ổn định, hiệu quả, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới; đề nghị phía Nga tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư phù hợp vào vùng Viễn Đông trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu hợp tác của hai bên.
Tổng thống V.Pu-tin chia sẻ với nhân dân Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão Đam-ri gây ra và tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khắc phục hậu quả cơn bão. Tổng thống đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ nhà APEC và chúc Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao; khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nga tham gia các dự án hợp tác mới về xây dựng hạ tầng, đường sắt, năng lượng, khí đốt, công nghiệp ô-tô, sử dụng hạt nhân vào mục đích hòa bình; tăng cường giao lưu văn hóa, nhân dân trong đó có việc dạy và học tiếng Nga tại Việt Nam...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị phía Nga tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trang, thiết bị bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, tạo điều kiện cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Nga.
Hai bên bày tỏ hài lòng về việc trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt cấp cao, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị giữa hai nước, cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu bước đầu đem lại kết quả tích cực trong trao đổi thương mại Việt - Nga cũng như giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu, đồng thời nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định. Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động, hợp tác giữa các địa phương…
* Kết thúc cuộc gặp, hai bên nhất trí ra Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế (Toàn văn đăng số báo hôm nay).
* Sáng 10-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc gặp song phương với Quốc vương Bru-nây Ngài Xun-tan Ha-gi Hát-xa-nan Bôn-ki-a, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2017). Hai bên tích cực triển khai các cam kết đạt được từ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Bru-nây vào tháng 8-2016 và kết quả kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Bru-nây tại Hà Nội vào tháng 2-2017; tập trung đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực như chính trị, quốc phòng - an ninh; hợp tác nông nghiệp, biển, lao động, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp của Bru-nây trong việc giải quyết vấn đề ngư dân trên tinh thần nhân đạo và quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Chủ tịch nước chúc mừng Quốc vương Bru-nây qua 50 năm trị vì đã dẫn dắt Bru-nây phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực; đánh giá cao sự ủng hộ của Bru-nây góp phần đem lại thành công cho Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Bru-nây bảo đảm an ninh lương thực lâu dài, ổn định; mong muốn Bru-nây quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án thăm dò khai thác dầu khí và cung cấp dịch vụ dầu khí tại Bru-nây, hai bên sớm ký Thỏa thuận lập đường dây nóng về hoạt động nghề cá trên biển.
Quốc vương Bru-nây H.Bôn-ki-a chúc Việt Nam tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề liên quan hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Thủ tướng S.A-bê cảm ơn Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, chu đáo; khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam trong triển khai chính sách ở khu vực và sẽ hợp tác vì sự phát triển của Việt Nam và lợi ích của cả hai nước; đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến cũng như vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC và Năm APEC 2017, khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để bảo đảm thành công cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Thủ tướng S.A-bê bày tỏ cảm thông sâu sắc trước tổn thất về người và tài sản do bão số 12 vừa qua gây ra và thông báo, Nhật Bản viện trợ 105 máy lọc nước cho nhân dân tại các địa phương chịu tác động của bão; cam kết tiếp tục cung cấp ODA giúp Việt Nam; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia các dự án phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng ở Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng Thủ tướng S.A-bê được bầu lại làm Thủ tướng Nhật Bản và thắng lợi của Đảng Dân chủ Tự do tại cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua; cảm ơn việc Chính phủ Nhật Bản kịp thời hỗ trợ các tỉnh miền trung chịu tác động của cơn bão vừa qua. Chủ tịch nước khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất với sự tin cậy cao về chính trị; giao lưu cấp cao hai nước diễn ra hết sức sôi động. Chủ tịch nước đánh giá cao Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam; mong muốn hai nước thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại song phương; tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục và lao động, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dự án tẩy độc dioxin sân bay Biên Hòa…
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ hợp tác song phương thời gian qua, nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các thành viên khác để thúc đẩy sớm hiện thực hóa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và khẳng định phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực như ASEAN, APEC, Liên hợp quốc...; nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Sau buổi tiếp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng S.A-bê đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa các bộ, ngành và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam với tổng trị giá khoảng năm tỷ USD.
* Sáng 10-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Thủ tướng M.Tơn-bun cảm ơn Việt Nam về sự đón tiếp trọng thị, nồng hậu; chúc Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017 nói chung và Tuần lễ cấp cao 2017 nói riêng, tạo dấu ấn trong tiến trình thúc đẩy hợp tác giữa các nền kinh tế APEC. Thủ tướng M.Tơn-bun khẳng định, Ô-xtrây-li-a coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại của Ô-xtrây-li-a đối với châu Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Thủ tướng M.Tơn-bun chuyển lời thăm hỏi của Chính phủ và nhân dân Ô-xtrây-li-a đến người dân tại những địa phương của Việt Nam bị thiệt hại do bão Đam-ri vừa qua gây ra.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Thủ tướng Ô-xtrây-li-a dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng; đề nghị Ô-xtrây-li-a tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới…; khuyến khích các doanh nghiệp Ô-xtrây-li-a tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển sâu rộng, tích cực của quan hệ đối tác toàn diện tăng cường Việt Nam - Ô-xtrây-li-a hướng tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược; nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tiếp tục đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ô-xtrây-li-a khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
* Chiều 10-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp Thủ tướng Xin-ga-po Lý Hiển Long nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Thủ tướng Xin-ga-po đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Xin-ga-po có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là từ sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long tháng 3-2017 và Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Xin-ga-po tháng 8-2016; nhất trí phối hợp chặt chẽ để tích cực chuẩn bị các hoạt động thiết thực kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2018, đồng thời tăng cường hợp tác kênh Đảng, Quốc hội… Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân, giáo dục đang phát triển mạnh mẽ giữa hai nước. Hai bên cũng trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, nhất trí tăng cường đoàn kết và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề chiến lược liên quan an ninh, lợi ích của mỗi nước và khu vực.
* Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp bà C.La-gác-đơ, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Chủ tịch nước đánh giá cao việc bà C.La-gác-đơ tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao APEC 2017 cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của IMF đối với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị IMF tiếp tục tăng cường hợp tác và tư vấn cho Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý ngân sách bền vững, tiền tệ và ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng.
Tổng Giám đốc IMF C.La-gác-đơ đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; cam kết tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, chú trọng chất lượng tăng trưởng và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
* Cùng ngày, nhân dịp Đối thoại không chính thức lần đầu giữa APEC và ASEAN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị các lãnh đạo kinh tế APEC đã ra Tuyên bố báo chí về cuộc Đối thoại chủ đề “Cùng tạo động lực mới vì một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện”.
Tuyên bố khẳng định, cuộc Đối thoại giữa APEC và ASEAN được tổ chức nhằm tạo động lực mới cho hợp tác, liên kết ở châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực đang ở trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng. Bên cạnh những thách thức, nhất là liên kết đang chậm lại và các rủi ro về tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn, khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện những xu hướng tích cực và những vận hội lớn, trong đó có cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở hướng tới tầm nhìn chung về một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, các nhà lãnh đạo APEC và ASEAN đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất tăng cường hợp tác và tính bổ trợ giữa hai cơ chế trong đối phó những thách thức chung và xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực bền vững, minh bạch và có khả năng thích ứng cao.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và ASEAN hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đối thoại của Việt Nam, coi đây là minh chứng sống động cho ý chí và quyết tâm chính trị của các thành viên hai cơ chế trong xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kết nối toàn diện, vì hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
* Tối 10-11, tại khách sạn Sheraton - Đà Nẵng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 (AELM 25) đã chủ trì tiệc chiêu đãi trọng thể và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng các nhà lãnh đạo kinh tế và các phu nhân, phu quân nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng các nhà lãnh đạo kinh tế đến dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp, giàu lòng mến khách. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, ca dao Việt Nam có câu “Anh em bốn bể là nhà”, nhưng còn hơn thế nữa, cùng sống bên hai bờ Thái Bình Dương, suốt hàng chục năm qua, các nền kinh tế thành viên APEC may mắn được chia sẻ trái ngọt của hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực. APEC trở thành diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới, là vườn ươm của rất nhiều ý tưởng, sáng kiến về phát triển, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, cùng nhau nỗ lực nâng cao vai trò của APEC trong quản trị kinh tế khu vực và toàn cầu, chúng ta sẽ biến dự báo thế kỷ 21 là “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” trở thành hiện thực.
* Nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại TP Đà Nẵng, sáng 10-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Ô-xtrây-li-a M.Tơn-bun. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã tích cực phối hợp, hỗ trợ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017. Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a kể từ sau khi ký Tuyên bố chung về đối tác toàn diện tăng cường năm 2015. Trên nền tảng vững chắc của mối quan hệ này và tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước, hai bên nhất trí sẽ sớm nâng cấp quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a lên đối tác chiến lược. Hai Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao hai nước tiếp tục trao đổi để lãnh đạo hai nước có thể ký văn kiện đối tác chiến lược vào thời gian sớm nhất.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về việc kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực, đưa Ô-xtrây-li-a trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam; hợp tác quốc phòng - an ninh ngày càng tin cậy, thực chất; hợp tác giáo dục - đào tạo, lao động, du lịch và giao lưu nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ô-xtrây-li-a mở rộng hơn nữa các hoạt động đầu tư, kinh doanh với Việt Nam; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Ô-xtrây-li-a. Thủ tướng cũng đề nghị Ô-xtrây-li-a tiếp tục duy trì viện trợ phát triển chính thức (ODA) và cung cấp học bổng cho Việt Nam.
Nhân dịp này, hai bên đã thảo luận và chia sẻ nhiều đánh giá về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, nhất là các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, nhằm thúc đẩy xu hướng đối thoại và hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định và trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Về vấn đề Biển Đông, hai bên chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở khu vực, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.
* Tại cuộc gặp song phương với Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Công Đảng và cá nhân Thủ tướng G.A-đơn đã giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua; bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện tốt đẹp hiện có giữa hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Niu Di-lân đã hỗ trợ 500 nghìn đô-la Niu Di-lân cho các địa phương Việt Nam bị ảnh hưởng của bão Đam-ri.
Thủ tướng Niu Di-lân đánh giá cao Việt Nam trong vai trò chủ nhà Năm APEC 2017; bày tỏ tin tưởng thành công của Hội nghị cấp cao APEC lần này sẽ góp phần tạo động lực mới và duy trì đà tăng trưởng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương; đề nghị hai bên hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm khi Niu Di-lân đăng cai Năm APEC 2021. Thủ tướng Niu Di-lân cũng đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc họp của lãnh đạo 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước thành viên khác để đề ra hướng đi phù hợp cho TPP trong thời gian tới.
Hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam - Niu Di-lân phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào thực chất; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cũng như giao lưu nhân dân; thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 1,7 tỷ USD vào năm 2020. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc Bộ trưởng Ngoại giao hai nước ký Chương trình hành động Việt Nam - Niu Di-lân giai đoạn 2017-2020 nhân dịp này và giao các bộ, ngành hữu quan hai bên triển khai hiệu quả, đầy đủ, đưa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu. Thủ tướng G.A-đơn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì ODA, cung cấp học bổng cho Việt Nam... Hai bên cũng trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông; nhất trí cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
* Tại buổi tiếp Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hồng Công (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp tích cực của nền kinh tế Hồng Công vào thành công của Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Bày tỏ vui mừng trước những kết quả đáng khích lệ trong hợp tác giữa hai bên, Thủ tướng khẳng định, Khu hành chính đặc biệt Hồng Công là một trong những đối tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng hàng đầu của Việt Nam; mong muốn trong nhiệm kỳ này của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vị trí của Hồng Công với tư cách là đối tác thương mại lớn thứ chín và đối tác FDI lớn thứ sáu của Việt Nam sẽ còn được nâng cao hơn nữa.
Để tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa hai bên, Thủ tướng đề nghị Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hồng Công khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực của Hồng Công mở rộng đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
* Tại buổi tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) C.La-gác-đơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hiệu quả các hoạt động giám sát, đánh giá, tư vấn của IMF đối với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế vĩ mô cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo cán bộ cho Việt Nam… Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục nỗ lực phát huy nội lực, kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thủ tướng đề nghị IMF tiếp tục tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế vĩ mô, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính - ngân hàng; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam về quản lý kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân hàng.
Tổng Giám đốc IMF cho biết, ngoài hỗ trợ về tài chính, IMF đang nghiên cứu đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và đào tạo; khẳng định hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về giảm bất bình đẳng xã hội và tăng cường hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu...
* Tại cuộc tiếp các doanh nghiệp hàng đầu của Ô-xtrây-li-a trong các lĩnh vực y tế, sản xuất, chế tạo, khai khoáng, dầu khí, hàng không và chế biến nông sản chất lượng cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các doanh nghiệp sang Việt Nam dự Hội nghị cấp cao CEO trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC 2017; đánh giá cao vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Ô-xtrây-li-a.
* Chiều 10-11, tại Đà Nẵng, nhân dịp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tham dự Hội nghị cấp cao doanh nhân APEC, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn lưới điện phương Nam của Trung Quốc Lý Khánh Khôi. Đánh giá cao quyết tâm của Tập đoàn sẽ đưa tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 vào tháng 6-2018, Thủ tướng hoan nghênh Tập đoàn mong muốn thành lập liên doanh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư vào các dự án nhà máy điện khác theo hình thức BOT. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý Tập đoàn khi xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam phải hết sức quan tâm vấn đề môi trường; có các giải pháp để các nhà máy nhiệt điện không làm ảnh hưởng du lịch biển ở tỉnh Bình Thuận cũng như không ảnh hưởng xấu các vùng nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.
* Tiếp ông Ô.Hi-đê-a-ki, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn đang đầu tư hiệu quả vào một số dự án công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay ở Hà Nội. Thủ tướng đề nghị Mitsubishi mở rộng đầu tư các dự án công nghệ cao ở Việt Nam cũng như tăng cường hơn nữa việc đào tạo, nhất là kỹ thuật viên và kỹ sư từ những sinh viên tài năng của Việt Nam.
* Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt lãnh đạo các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước tài trợ cho Tuần lễ cấp cao APEC. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đánh giá cao các doanh nghiệp đã tài trợ cho sự kiện chính trị, kinh tế và đối ngoại quan trọng này của Việt Nam để cùng với Chính phủ làm nên thành công của Năm APEC 2017.
* Ngày 10-11, Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp APEC 2017 (APEC CEO Summit 2017) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên thảo luận về vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp trong sử dụng hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững. Đây cũng là phiên cuối của Hội nghị kéo dài ba ngày này, đi sâu thảo luận chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và các sáng kiến, ưu tiên trong Năm APEC Việt Nam 2017.
APEC CEO Summit 2017 thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo kinh tế dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017, các học giả, CEO hàng đầu thế giới và khoảng 2.000 đại biểu và hàng chục hãng thông tấn, báo chí lớn của Việt Nam và thế giới. Đây là sự kiện có số lượng đại biểu tham dự đông đảo nhất trong khuôn khổ APEC từ trước đến nay.
Tại APEC CEO Summit 2017, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần lượt có các bài phát biểu quan trọng về bối cảnh và tương lai của hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung, được đông đảo giới đầu tư kinh doanh Việt Nam và thế giới quan tâm theo dõi.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tuyên bố kết thúc APEC CEO Summit 2017 và trao vinh dự này tới Chủ tịch APEC CEO Summit của nền kinh tế Pa-pua Niu Ghi-nê, quốc gia sẽ đăng cai Năm APEC 2018.
* Ngày 10-11, nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng, bà Kim Jung-Sook, Phu nhân của Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In đã tới thăm Làng bích họa Tam Thanh thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và tham gia hoạt động vì cộng đồng, nhằm khích lệ nhân dân Việt Nam nỗ lực gìn giữ và điểm trang cho ngôi làng xinh đẹp này.
* Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, tối 10-11, lễ bế mạc Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC (VOF) đã diễn ra tại Quảng Nam. Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố Thanh niên 2017 với bốn nội dung quan trọng: Đóng góp của thanh niên đối với tầm nhìn APEC 2020 và tương lai; kinh tế, xã hội và tài chính bao trùm; sự phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Theo Báo Nhân dân