Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là yêu cầu thực tiễn

(Mặt trận) - Ngày 23/6, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị- Những vấn đề lý luận và thực tiễn” khu vực phía Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN) 

Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6, khóa XIII; các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; các đại biểu chuyên gia, nhà khoa học.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: thanhuytphcm.vn) 

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: 92 năm qua, để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả mà lịch sử dân tộc và nhân dân giao phó, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để đổi mới, bổ sung và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu, phù hợp với những bước chuyển chiến lược trong tiến trình cách mạng Việt Nam và sự phát triển của đất nước. 

Trong những nhiệm kỳ gần đây, cùng với việc đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị một cách đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà; vai trò và hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với các cấu trúc, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng được nâng cao, nhất là đối với Nhà nước; đồng thời phát huy mạnh mẽ dân chủ, từng bước nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân.

Nhắc lại 5 nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, việc  vận dụng các phương thức này ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức Đảng khác nhau tuỳ thuộc vào từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X), chúng ta đã được cung cấp nhiều thực tiễn sinh động, phong phú, những cách làm hay, những mô hình sáng tạo để tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hơn. 

 Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: thanhuytphcm.vn) 

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định, nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. TP Hồ Chí Minh đã tổng kết và ban hành Kết luận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X. Thành ủy đã báo cáo những việc làm được, chưa được và Ban Thường vụ đã trả lời nhiều câu hỏi sâu sắc, trọng tâm nhiều vấn đề , đó là trong 15 năm thực hiện Nghị quyết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, gắn với đổi mới phương thức với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và sửa đổi lối làm việc; nội dung về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy đối với hoạt động của nền chính trị, mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động quản lý điều hành; hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và công tác tổ chức cán bộ, kiểm tra giám sát, kỷ luật Đảng.

Thời gian qua, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chú trọng điều chỉnh các nội dung nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm đầu tư phát triển; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, gắn với xây dựng chính quyền điện tử mang tính đặc thù, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai minh bạch, phục vụ Nhân dân, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảng viên, nhất là cán bộ, người đứng đầu các cấp, nâng cao hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, đảng viên…

Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội thảo (Ảnh: HM). 

Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Xuất phát từ tính chất, tầm quan trọng của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới, Hội thảo hôm nay có nhiệm vụ nhận diện vấn đề, phân tích, đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và tổng kết bài học kinh nghiệm qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung Đảng khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Làm rõ những yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước tình hình, nhiệm vụ mới; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện, đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương cho biết: Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, Ban Chỉ đạo đề án đã nhận được 40 tham luận của các đồng chí lãnh đạo đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan ở Trung ương và các đồng chí bí thư, phó bí thư cấp ủy địa phương khu vực phía Nam.

Ban Chỉ đạo Đề án mong muốn được lắng nghe, tiếp thu một số nội dung:  Những vấn đề lý luận về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đánh giá những ưu điểm, kết quả và hạn chế, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, các đại biểu đánh giá rõ thêm những ưu điểm, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thông qua 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Dự báo những nhân tố tác động, những yêu cầu mới đặt ra đối với phương thức lãnh đạo của Đảng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cấm quyền của Đảng trong tình hình mới.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng không chỉ nhờ đường lối đúng đắn mà còn tùy thuộc vào phương thức lãnh đạo sáng tạo, linh hoạt. Thực tiễn cách mạng đã minh chứng, có những thời điểm cách mạng gặp khó khăn, khủng hoảng, thoái trào, thậm chí thất bại tạm thời không phải do sai lầm về đường lối mà do thiếu phương thức lãnh đạo phù hợp, nhất là tình hình thay đổi nhưng phương thức lãnh đạo chậm thay đổi thích ứng. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, coi đây là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Trong những năm qua, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với khả năng thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của Đảng; đối với nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và phát huy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tinh thần thượng tôn pháp luật, khắc phục buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện, làm thay nhà nước; đối với nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết đã ban hành, đưa nghị quyết vào cuộc sống; đối với xây dựng Đảng có bản lĩnh vững vàng, chính trị sáng suốt, tư tưởng kiên định, đạo đức trong sáng, tổ chức chặt chẽ, phòng ngừa mọi nguy cơ tha hóa; đối với phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân.

Đồng chí  Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương kết luận hội thảo. Ảnh: HM 

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Ban Chỉ đạo Đề án đã tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương, đơn vị và các bộ ngành để lắng nghe nhiều ý kiến góp ý cụ thể về vấn đề này. Bởi mỗi góc độ lại có một ý kiến, cách tiếp cận khác nhau, tại mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị cũng mang những nội dung, cách làm khác nhau… Tại hội thảo các ý kiến từ các đồng chí lãnh đạo địa phương, đơn vị từ việc làm cụ thể đã làm rõ hơn những nội dung về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Những thành tựu của hơn 35 năm đổi mới cho thấy những phương thức lãnh đạo của Đảng có vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới; qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo vai trò, sự lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và toàn xã hội. 

Đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đồng chí tham dự hội thảo. Đồng chí khẳng định: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một vấn đề toàn diện, xuyên suốt, phải được đồng bộ, liên thông và đảm bảo vận hành thông suốt có hiệu quả. Đó là quá trình cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới đưa những chủ trương vào cuộc sống thông qua đội ngũ cán bộ, thông qua tuyên truyền, qua kiểm tra giám sát, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Mỗi một giai đoạn có một yêu cầu khác nhau, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Trương Thị Mai mong muốn các đại biểu tiếp tục sẽ có những ý kiến đóng góp để chia sẻ những ý kiến thẳng thắn, đề xuất được nhiều kiến nghị, giải pháp mới, tham gia góp ý cho Ban chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khoá X…/.