Đổi mới không phải là tăng, giảm biên chế mà làm MTTQVN mạnh lên

PGS.TS Trần Hậu: Đổi mới mô hình tổ chức không phải là tăng biên chế hay giảm biên chế, mà mục đích là làm cho tổ chức Mặt trận mạnh lên

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Hạ viện Malaysia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia

4 phương án đề xuất đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong đề tài nghiên cứu của Ban Tổ chức Trung ương đang được nhiều người khá quan tâm.

PGS.TS Trần Hậu, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mặt trận cho rằng, đây là báo cáo khoa học đã được nghiên cứu công phu và nghiêm túc, đạt nhiều kết quả tốt về cả lý luận và thực tiễn, nhằm vào những vấn đề bức xúc, thiết thực đang đặt ra trong công tác mặt trận.

“Trong lịch sử tồn tại 88 năm của mình, đây là thời kỳ Mặt trận có những điều kiện rất thuận lợi nhưng cũng đang gặp phải nhiều vấn đề mới mẻ chưa có tiền lệ trong lịch sử, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện từ tư duy lý luận đến chủ trương chính sách mặt trận, từ tổ chức đến phương thức, từ tiền đề, điều kiện cho đến phương thức hoạt động. Đề tài là một lát cắt trong những vấn đề đặt ra cho công tác Mặt trận hiện nay”- PGS.TS Trần Hậu nhận định.

 PGS.TS Trần Hậu, nguyên Tổng biên tập tạp chí Mặt trận

Theo PGS.TS Trần Hậu, đề tài đã đạt được những kết quả khả quan, trước hết đã luận giải được những vấn đề lý luận về vị trí, vai trò và mối quan hệ của MTTQ Việt Nam với các tổ chức Chính trị Xã hội, quan hệ với hệ thống chính trị, luận giải được quan niệm về mô hình với đổi mới mô hình tổ chức phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đồng thời trình bày được tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, kinh nghiệm lịch sử và kinh nghiệm quốc tế.

Đánh giá khách quan thực trạng hoạt động của MTTQ Việt Nam

Một vấn đề quan trọng nữa là đã đánh giá thực trạng hoạt động của MTTQ Việt Nam một cách khách quan và thẳng thắn để thấy rõ yêu cầu phải đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH hiện nay.

“Mục tiêu của đề tài không phải là tăng biên chế hay giảm biên chế, mà là làm cho tổ chức Mặt trận mạnh lên”- PGS.TS Trần Hậu nói.

Cùng với đó, đề tài đã đề ra được quan điểm, nguyên tắc, phương hướng, giải pháp và những kiến nghị đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH với những phân tích khách quan và tư duy đổi mới.

“Vấn đề lý luận về MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH rất rộng lớn, phong phú, những kết quả nêu trong đề tài là khả quan và đáng được đánh giá cao. Những kết quả đó góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH”- ông Trần Hậu nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Trần Hậu, đề tài đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều quan điểm thẳng thắn và mạnh dạn đổi mới, trong đó có đề xuất không nhất thiết mô hình tổ chức Mặt trận phải giống như tổ chức hành chính 4 cấp hệ thống chính quyền. Đội ngũ những người làm công tác Mặt trận không nhất thiết giống như công chức, viên chức Nhà nước…

PGS.TS Trần Hậu cho rằng, khi đề xuất đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH cần nghiên cứu xem MTTQ Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc nào? Không nên nhập nguyên tắc tổ chức với nguyên tắc hoạt động vì chúng có nội hàm khác nhau.

Thứ nữa, nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam phụ thuộc vào nguyên tắc tổ chức với đặc điểm của tổ chức đó. MTTQ Việt Nam là tổ chức tự nguyện, liên minh, liên hiệp rộng rãi do Đảng lãnh đạo nên phải hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, tôn trọng tính độc lập của các thành viên, phối hợp và thống nhất hành động để đạt mục đích chung. Chính nguyên tắc này phân biệt MTTQ Việt Nam với các hình thức hoạt động khác.