Điều lạ nhất quanh vụ bắt cựu tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa

Liên quan đến vụ án bắt cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa có điều rất lạ. Trước khi sự việc chính thức diễn ra, cách đó vài tháng đã rộ tin đồn về việc bắt hai ông này. Tại sao lại như vậy?

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

  Trước khi Cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa (trái) và Phan Văn Vĩnh đã có thông tin đồn thổi (ảnh IT).

Thông tin chính thức từ Bộ Công an về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an), và trước đó gần một tháng là việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50, đối với những người thường xuyên lướt mạng xã hội có lẽ không có gì bất ngờ, bởi trước đó trên mạng cũng đã rộ thông tin này. Điều khiến nhiều người băn khoăn tại sao sự việc diễn ra sau đó lại hệt như tin đồn thổi.

Tháng 1. 2018, tại buổi họp báo thông báo tình hình công tác năm 2017 của Bộ Công an, báo chí đã đặt câu hỏi xung quanh câu chuyện đang được đồn thổi trên. Lãnh đạo Bộ Công an bác bỏ thông tin này. Nếu như sự việc sau đó diễn ra không đúng như đồn thổi thì không có gì đáng bàn. Điều đáng nói là mấy tháng sau sự việc lại diễn ra lại chính xác đúng như những thông tin phi chính thống. Vấn đề phải chăng là có sự lộ, lọt thông tin thuộc bí mật Nhà nước ra ngoài mới dẫn tới hiện tượng như vậy. Việc lộ lọt thông tin trong trường hợp này là vô tình hay cố ý; nó được tung ra nhằm ý đồ gì?.

Đối với vụ án hình sự nói chung, đặc biệt vụ án có liên quan đến những người từng là cán bộ cấp cao như trường hợp ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, khi cơ quan điều tra mới đang trong quá trình thực hiện, chưa công bố rộng rãi, mọi việc mới chỉ đang là kế hoạch, hướng điều tra thì mọi thông tin về vụ án lúc này đều là bí mật Nhà nước.

Nếu tất cả những người biết thông tin nghiêm túc giữ bí mật theo quy định của pháp luật sẽ không có chuyện lộ tin, rồi dẫn tới chuyện đồn thổi thông tin trước khi sự việc diễn ra. Như vậy những kẻ muốn tung tin trên mạng cũng không có cơ sở để thực hiện. Nếu có chỉ là thứ xuyên tạc, bịa đặt, người xem sẽ tẩy chay ngay. Trong hoạt động báo chí, cơ quan quản lý thường nhắc các tòa soạn, cơ quan báo chí không được chạy theo thông tin trên mạng xã hội. Để giữ cho thông tin báo chí có định hướng điều đó hoàn toàn đúng. Tuy nhiên các cơ quan báo chí khó có thể làm ngơ khi thấy thông tin trên mạng xã hội ban đầu chỉ là đồn thổi sau diễn ra lại đúng, như vụ bắt ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.

Còn nhớ hồi tháng 9.2017, trên mạng xã hội xuất hiện tin Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, người đang bị truy nã quốc tế đã về nước. Báo chí vào cuộc xác minh nhưng không có kết quả như mong muốn, hai ngày sau đó trên cổng thông tin của Bộ Công an phát thông báo với nội dung Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Nếu những vụ việc như nêu trên vẫn cứ tiếp diễn, người dân sẽ có xu hướng tìm tới mạng xã hội để thỏa mãn nhu cầu thông tin và họ coi báo chí chính thống chỉ là “chạy theo”.

Không chỉ những vụ án có sự dính líu của cán bộ cấp cao mà những thông tin về công tác nhân sự cũng thường xảy ra hiện tượng đồn thổi trước khi diễn ra. Khi Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự thảo Luật An ninh mạng (kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV), đại biểu Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc đã có phát biểu rất thẳng và đáng chú ý.

Ông nói: Tại sao tất cả những chuyện cơ mật các đồng chí thư ký, lái xe, các quán trà vỉa hè đều biết? “Mỗi một kỳ Đại hội, muốn nắm thông tin ra quán trà vỉa hè ngồi hỏi một lúc là người ta nói. Có những ông phán kinh lắm, người này sẽ vào vị trí này, người kia sẽ vào vị trí kia, lạ là sau đó lại đúng như vậy. Rõ ràng về mặt tổ chức nhân sự là có chuyện lộ bí mật nhà nước, vậy lộ ở đâu ra? Tự chúng ta làm lộ bí mật của chúng ta ra”, ông Dũng nói và đặt vấn khi xây dựng Luật có điều chỉnh được những vấn như đã nêu không.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước; trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…

Và câu chuyện xung quanh vụ bắt cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa thêm một minh chứng rõ nét để cơ quan chức năng xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước được đảm bảo chặt chẽ hơn.