Điều đặc biệt nào tạo nên dấu ấn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương?

Theo ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có những thay đổi quan trọng để giúp công tác kiểm tra đạt hiệu quả, kết luận kịp thời nhiều vụ việc có tính phức tạp.

CHỐNG LÃNG PHÍ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

 Ông Trần Quốc Vượng có hơn 2 năm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII, nay ông là Thường trực Ban Bí thư (ảnh PV).

Hôm nay (12.10), tại Hà Nội, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Kiểm tra Đảng (16/10/1948 -16/10/2018), nhân dịp này PV có cuộc trò chuyện với ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tìm hiểu những điều đã tạo nên dấu ấn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) trong thời gian qua.

Thưa ông, nhìn từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tạo được dấu ấn rất lớn, kết luận nhiều vụ việc vi phạm phức tạp được dư luận quan tâm, đánh giá cao. Để có được kết quả đó, điều gì là quan trọng nhất?

- Trước hết cần phải nói ngành Kiểm tra Đảng trong chặng đường 70 năm qua đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng gắn liền với truyền thống vẻ vang của Đảng. Trong nhiệm kỳ khóa XII (2016 -2021) hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có chuyển biến mạnh, đó là sự kế thừa truyền thống 70 năm của ngành.

Nói về sự chuyển biến mạnh, để có được điều đó, trước hết là do người đứng đầu, nghĩa là Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lựa chọn được người đứng đầu Ủy ban KTTƯ. Như chúng ta đã biết ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, quyết định đến kết quả của một tổ chức, của một tập thể.

Ông Trần Cẩm Tú được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và bầu vào Ban Bí thư tháng 5/2018 (ảnh TTXVN).

Thứ hai, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác này. Trong các văn kiện của Đảng, cụ thể văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII rất nhấn mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; văn kiện thứ hai là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng để để phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Các văn kiện này đều đánh giá và nhận diện tình trạng suy thoái của cán bộ, đảng viên không những không giảm mà còn diễn biến phức tạp. Tại khóa XI, một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nói, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái. Vậy bộ phận không nhỏ này đang ở đâu, điều đó đặt ra cho Ủy ban KTTƯ và Ủy ban Kiểm tra các cấp phải tìm cách chỉ ra được địa chỉ cụ thể của bộ phận không nhỏ đó.

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh PV).

Ủy ban KTTƯ đã có biện pháp gì để có thể chỉ rõ bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên vi phạm, thưa ông?

- Định hướng từ văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ủy ban KTTƯ đã xây dựng chương trình hành động cho cả nhiệm kỳ và cho từng năm.

Phương thức trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có khác so với trước. Trước hết xác định ngoài 6 nhiệm vụ theo quy định của Đảng chúng tôi đã nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm đó là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Có thể nói đây là nội dung được Ủy ban KTTƯ rất quan tâm.

Ủy ban KTTƯ yêu cầu các Vụ trong cơ quan có chương trình, kế hoạch cụ thể, tránh kế hoạch chung chung. Ví dụ từng Vụ theo dõi địa bàn, lĩnh vực phải đặt ra chỉ tiêu, một năm kiểm tra 1 -3 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra 1-2 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Lúc đầu kế hoạch đưa ra như vậy trong Ủy ban KTTƯ khi thảo luận cũng đã có ý kiến khác nhau. Có ý kiến nói, đã nhìn thấy vi phạm của tỉnh A, B hay của ngành này, bộ kia đâu mà đưa ra chỉ tiêu đó. Nhưng Ủy ban KTTƯ xác định, đúng là chưa nhìn thấy nhưng thực trạng vi phạm diễn biến phức tạp cần phải đi tìm, sau trong Ủy ban đã đồng thuận.

Từ chỉ tiêu được giao, các Vụ trong Ủy ban KTTƯ đã tự xây dựng chương trình, kế hoạch và hàng năm phải hoàn thành chỉ tiêu đó.

Đổi mới nữa là Ủy ban KTTƯ có sự bố trí lực lượng linh hoạt. Trước đây, Vụ nào biết công việc ở Vụ đó, ví dụ Vụ 2 phụ trách địa bàn ở miền núi phía Bắc thì chỉ biết ở khu vực đó, Vụ 3 phụ trách ở khu vực đồng bằng cũng chỉ biết ở khu vực này, mặc dù cũng có sự phân công bố trí cán bộ kiểu “chéo” nhưng rất ít. Ở nhiệm kỳ này, việc bố trí cán bộ “chéo” được làm thường xuyên. Sự linh hoạt này đã giúp huy động được lực lượng mạnh, bởi khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm cần lựa chọn những cán bộ có năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm. Không chỉ cán bộ theo dõi địa bàn, cán bộ chuyên viên, ngay cả cán bộ Ủy ban cũng có phân công chéo, ví dụ Ủy viên Ủy ban phụ trách ở địa bàn này có thể sang làm Trưởng đoàn kiểm tra của Vụ khác. 

Việc đôn đốc cũng có sự thay đổi lớn, trước đây giao ban theo tháng, quý nhưng hiện giao ban 2 lần/tháng. Việc tổ chức giao ban như vậy để đôn đốc các công việc, đặc biệt là những việc đã đặt ra theo kế hoạch, vướng mắc đâu có chỉ đạo luôn để đảm bảo tiến độ, không để cho công việc kéo dài quá hạn. Có thể nói những thay đổi trên đã làm guồng máy của Ủy ban KTTƯ “chạy rầm rập”. Theo quy định Ủy ban KTTƯ 3 tháng họp 2 kỳ nhưng thời gian qua gần như tháng nào cũng họp. Kết quả các kỳ họp được công bố công khai, kịp thời.

Có ý kiến cho rằng để đạt được kết quả kiểm tra như vừa qua, có vai trò lớn của trong công tác chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư thưa ông?

- Việc quan tâm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo thông qua các Hội nghị, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự hội nghị tổng kết ngành, có các buổi làm việc với cơ quan. Tại hội nghị và các buổi làm việc với Ủy ban KTTƯ, các vị lãnh đạo đều nhấn mạnh công tác kiểm tra phải thực hiện một cách toàn diện và đồng bộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 có nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là định hướng cho Ủy ban KTTƯ và là chỗ dựa để Ủy ban KTTƯ tiến hành các cuộc kiểm tra, đặc biệt với các cuộc kiểm tra có tính chất phức tạp.

Xin cảm ơn ông (!)

Kết quả từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, UBKT các cấp đã kiểm tra 7.511 tổ chức đảng cấp dưới và 23.511 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó có 11.769 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, UBKT các cấp đã kết luận 4.903 tổ chức đảng và 17.868 đảng viên có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 355 tổ chức đảng và 8.841 đảng viên. Riêng Ủy ban KTTƯ đã kiểm tra, xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 4 tổ chức đảng và 32 đảng viên diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị.