Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

(Mặt trận) - Với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", Diễn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia vào sáng 18/9 dưới sự chủ trì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Tập trung vào 3 nhóm vấn đề

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng đồng chí Đinh Thế Huynh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Lâm Hiển 

Tham dự Diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Trưởng Ban Kinh trế Trung ương Trần Tuấn Anh; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; các vị Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội; các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước;…

Phương thức huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Lâm Hiển 

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua, các Diễn đàn Kinh tế do Quốc hội tổ chức là phương thức rất quan trọng để huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các quyết sách của Quốc hội.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" đã để lại nhiều bài học quý, nhiều luận cứ khoa học có tính thực tiễn với các thông tin bổ ích, định hướng hay để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành, nhất là công tác hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiều gợi ý chính sách tại Diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Lâm Hiển 

Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, quyết định sử dụng gói chính sách tài khóa, tiền tệ 347.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 15 tỷ USD) trong 2 năm 2022-2023 để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Với Nghị quyết 43/2022/QH15, Quốc hội đã thể chế hóa rất kịp thời Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), cùng với các Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án quan trọng quốc gia ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã tạo góp phần nên động lực, nguồn lực, niềm tin rất đúng lúc, kịp thời và mạnh mẽ, đồng thời hỗ trợ tích cực, thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

"Chính nhờ các quyết sách đúng đắn, kịp thời của Trung ương, Quốc hội, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Sau khi GDP giảm sâu trong quý III/2021 (âm 6,02%), tăng trưởng kinh tế nước ta từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng: Dịch bệnh được kiểm soát; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; hoạt động bán lẻ phục hồi mạnh; xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, cán cân thương mại xuất siêu gần 4 tỷ USD; giải ngân FDI khả quan; thu ngân sách đạt khá nhờ kinh tế phục hồi; lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá chịu áp lực tăng song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân tiếp tục phục hồi. 

Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB... dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7-7,5%, lạm phát dưới 4%...

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội cùng còn rất nhiều thách thức.

Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô,khả năng chống chịu luôn là mục tiêu hàng đầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Ảnh: Lâm Hiển 

Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu và tự cường của nền kinh tế luôn là mục tiêu hàng đầu, nhất là do kinh tế nước ta có độ mở rất lớn và tình hình thế giới, khu vực luôn có biến động bất thường, khó dự báo. Bài học thực tiễn qua hơn 35 năm đổi mới, kể cả trong những giai đoạn khó khăn, thử thách khắc nghiệt như trong 2 năm qua có thể nói rằng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố "bất biến" để ứng với "vạn biến" của tình hình kinh tế quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực trạng, bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ khu vực, thế giới; dự báo xu hướng trung hạn, dài hạn; phân tích, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, 2023 và giai đoạn tiếp theo.

Đồng thời phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng kinh tế - xã hội, nhất là tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, dự báo cho cả năm 2022, 2023; chỉ rõ các thành tựu, kết quả đã đạt được và cảnh báo những rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính.

Tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/NQ/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ; việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và phối hợp chính tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

 

Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam trong củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, tăng cường năng lực chống chịu và tự cường của nền kinh tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong năm 2023 và định hướng cho cả nhiệm kỳ 2021-2025. Nêu các kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, thể chế, chính sách của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "lội ngược dòng"

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển 

Đại diện cơ quan đồng chủ trì Diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định Diễn đàn Kinh tế - Xã hội lần này là một sự lựa chọn rất cần thiết để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận, trao đổi tìm kiếm các giải pháp tiếp tục duy trì ổn định, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời ứng phó chủ động, linh hoạt với sự thay đổi nhanh chóng là chìa khoá để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục "lội ngược dòng" thành công và duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động. Thực tiễn đã chứng tỏ chỉ khi các chỉ số vĩ mô được giữ ổn định, nền kinh tế mới hội đủ năng lực chống chịu, có dư địa để chủ động ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất ngờ và phục hồi nhanh chóng sau các biến động đó.

Ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ việc giải phóng các nguồn lực và mở rộng các động lực tăng trưởng trong nước cần trở thành cách tiếp cận mới để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh thế giới đang biến động nhanh chóng, có nhiều tác động tiêu cực.

Cụ thể, cần tập trung thực hiện các giải: Tiếp tục cải cách thể chế, tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật về quản lý đất đai và thị trường bất động sản đặc biệt trong công tác đấu giá đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất để khai thác có hiệu quả nhất một trong những nguồn lực quan trọng của nền kinh tế. 

Cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tốt các cơ hội mà hội nhập đang mang lại cho Việt Nam, khôi phục và mở rộng hoạt động sau đại dịch gắn với việc thực hiện các chương trình trợ cấp, hỗ trợ người lao động. Khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện cho các địa phương, các ngành kinh tế và các doanh nghiệp phát triển. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch. Tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ và mở ra một không gian mới, động lực mới cho sự phát triển vùng, các địa phương trong vùng và nền kinh tế quốc gia.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự 2 hội thảo chuyên đề. 

Cụ thể, hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội"; Hội thảo chuyên đề 2 có chủ đề "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững".