Diễn đàn Kinh tế Việt Nam: Phục hồi và phát triển bền vững

(Mặt trận) - Chủ trì và phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” sáng ngày 5/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, những đề xuất về giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Diễn đàn lần này nằm ngoài khung khổ chính sách mà Quốc hội đã quyết định, cho phép chúng ta tìm kiếm một không gian, một dư địa mới để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển bền vững.

Thủ tướng: 'Sự sống nảy sinh từ cái chết' ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng

Sắp xếp, tinh gọn phải nhanh, làm khẩn trương nhưng phải rất khoa học, phòng ngừa các hệ lụy, rủi ro

Diễn văn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. Ảnh: Lâm Hiển 

Duy trì, tăng cường động lực tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô

Chủ tịch Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh các đồng chí Lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ban, bộ, ngàng Trung ương, các chuyên gia, đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự Diễn đàn.

Gần 2 năm qua, đại dịch Covid – 19 đã gây thiệt hại nặng nề cả về kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2020, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh và duy trì được tăng trưởng kinh tế với tốc độ 2,91%, là một trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid – 19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội, quý III tăng trưởng kinh tế âm 6,7% nên 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,42% và dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.

Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã tung ra nhiều gói chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ rất khác nhau về quy mô, tùy vào mức độ diễn biến của dịch bệnh, cũng như khả năng về nguồn lực nhất là chính sách tài khóa tiền tệ của từng nước. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam cũng đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới. Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%, Việt Nam là khoảng 4% GDP của năm 2020, trong đó gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %.

Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là nhiệm kỳ mà tất cả các khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn đã được Trung ương có chủ trương và Quốc hội đã ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này.

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng triển khai theo thẩm quyền chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. “Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho 2 chương trình này phục vụ cho mục tiêu chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét và quyết định và phải quyết định sớm”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan của Quốc hội cùng với các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ trong thời gian vừa qua và dự kiến trong cuối tháng 12 này, nếu chuẩn bị được hoàn tất đầy đủ thì tại Phiên họp thường niên tháng 12 tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định và đề nghị với Quốc hội cho tổ chức một kỳ họp bất thường vào cuối năm nay để xem xét vấn đề rất quan trọng này cùng với một số vấn đề rất cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh khác.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 lần này là một cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô, liều lượng hợp lý nhất cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

“Chủ đề của chúng ta là hai chữ P – tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu nêu trên”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Diễn đàn rất đa chiều, cởi mở, gắn kết mật thiết chính sách và cuộc sống

 Ảnh: Lâm Hiển

Các nội dung trọng tâm của Diễn đàn bao gồm: Các diễn giả, các nhà khoa học cập nhật, đánh giá về bối cảnh, tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới, cập nhật những vấn đề mới nhất. Ví dụ như những biến chủng mới… Những phân tích, đánh giá và dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh và trực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong thời gian tới trong thế giới toàn cầu hóa, nhất là Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với khu vực và thế giới, nên mọi biến động trong khu vực và thế giới đều có tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và động lực tăng trưởng của Việt Nam, kể cả xuất khẩu, đầu tư, thị trường tiêu dùng…

Các diễn giả cũng sẽ trình bày về kinh nghiệm quốc tế kể cả trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như gợi ý những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Diễn đàn mong muốn được lắng nghe những ý kiến đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội hiện nay và những kiến nghị đề xuất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Một nội dung rất quan trọng nữa của Diễn đàn là trao đổi, giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; sẽ phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện còn những điểm nghẽn, những vướng mắc... Ví dụ như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân đầu tư công… Làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này.

“Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Ngoài hai điểm cầu tại Trung ương còn được kết nối đến 57 điểm cầu tại địa phương và 3 điểm cầu quốc tế, tập hợp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực, các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các nhà quản lý, hoạch định và thực thi chính sách… Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Chính phủ rất muốn lắng nghe các ý kiến chuyên môn, cởi mở, toàn diện đến từ cả những người thực thi chính sách và cả những người có sứ mệnh quyết định chính sách. Do vậy, tính chất của Diễn đàn rất mở, diễn đàn kinh tế nhưng được kết nối với quy mô và phạm vi rất rộng. Đây cũng là diễn đàn rất đa chiều, tương tác rộng mở. “Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, ngoài hai chữ P ra thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C – Chính sách và Cuộc sống. Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, pháp luật thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Diễn đàn sẽ kết nối, gắn kết giữa các lĩnh vực sẽ được xem xét, quyết định với ý kiến của đông đảo giới khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhân dân và cử tri… Bất cứ cá nhân nào muốn tham gia, đóng góp ý kiến tại Diễn đàn đều có thể đăng ký trên website chính thức của Diễn đàn.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn đã tiến hành phiên họp toàn đầu tiên, nghe  TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia trình bày bài đề dẫn “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”; Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường trình bày tham luận với chủ đề “Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam”; PGS.TS Bùi Quang Tuấn, đại diện Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trình bày bài tham luận với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam”; Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud trình bày tham luận “Khuyến nghị của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) về chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế”