Điểm sáng trong xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng

(Mặt trận) - Sáng 26/1, tại phiên khai mạc đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tết

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ảnh: TTXVN

Đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, đặc biệt năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng; các nước lớn điều chỉnh chiến lược, cạnh tranh gay gắt và tăng cường bảo hộ thương mại. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động, nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định, nhất là vấn đề Biển Đông. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các vấn đề an ninh phi truyền thống đã tác động nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đên phát triển bền vững đất nước.

Bên cạnh đó, ở trong nước, sự nghiệp đổi mới được đẩy mạnh. Kinh tế, văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển; xây dựng, chỉnh đốn Đảng được chú trọng; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Trong những năm đầu và cuối của nhiệm kỳ, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ gây thiệt hại nặng nề, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng thực hiện quyết liệt, đồng bộ

Điểm nhấn được ông Vượng khái quát đến đối với tập thể Ban Chấp hành Trung ương trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chỉnh trị như: Trung ương đã nghiên cứu, ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận để tăng cường công tác xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đề ra mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Theo đó, đã ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nhất là phương pháp đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ; có cơ chế tạo động lực đổi mới, sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là Ưỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Liên quan đến vấn đề lãnh đạo công tác kiểm tra, giảm sát, kỷ luật trong Đảng, Thường trực Ban Bí thư cho biết: Đã lãnh đạo thường xuyên, có nhiều đổi mới, thực hiện toàn diện, đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; kịp thời ban hành Quy định thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng, về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, kiện toàn nhân sự Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII; xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh 7 cán bộ lãnh đạo cấp cao; hằng năm có sơ kết và bổ sung chủ trương lãnh đạo toàn diện đối với việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng.

“Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng được Ban Chấp hành Trung ương quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, được sự ủng hộ của nhân dân, đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tình trạng tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng giảm, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”, ông Trần Quốc Vượng cho hay.

Còn Ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu

Cũng theo ông Trần Quốc Vượng, đối với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương về ưu điểm, các đồng chí Ủy viên Trung ương có lập trường tư tưởng vững vàng, có quyết tâm chính trị, ý thức tồ chức kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm, tư tưởng của Đảng; giữ vững nguyên tắc trong sinh hoạt đảng, nghiêm túc thực hiện Quy chế làm việc; chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức; có tinh thần phê bình và tự phê bình, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên ông Vượng cũng chỉ rõ vẫn có một số ít đồng chí Trung ương còn chưa thường xuyên nghiên cứu sâu các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, cập nhật tình hình thực tiễn; thiếu chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn. Có đồng chí Ủy viên Trung ương còn thiếu gương mẫu, vi phạm các nguyên tăc của Đảng, pháp luật của Nhà nước bị xử lý kỷ luật về đảng và xử lý hình sự.

Ông Vượng cũng nhấn mạnh: Trong lãnh đạo chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thường xuyên quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đã sớm chỉ đạo sửa đổi, bồ sung Hướng dẫn thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Đã ban hành Nghị quyết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, toàn diện, đồng bộ; ban hành các chỉ thị về tiếp tục đổi mới, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện, bài bản công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ban hành Quy định về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm; thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm; chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ gắn với chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đáng chú ý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tạo dấu ấn quan trọng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên ông Vượng cũng chỉ ra còn có khuyết điểm khi việc lãnh đạo triển khai một số dự án trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu đề ra. Lãnh đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường ở nhiêu nơi còn bất cập. Lãnh đạo quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lỷ, khắc phục những tồn đọng kéo dài nhiều năm còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách; chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án lớn quốc gia, đổi mới, cổ phần hoá, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đạt hiệu quả cao.